Minh Tâm - Thái Hằng | ||
|
Nhu cầu mua đang tăng mạnh, giá bia, nước giải khát tăng từng ngày. Ảnh: Kinh Luân |
(TBKTSG Online) - Năm, nào cũng vậy, cứ cận kề Tết Nguyên đán, thị trường bia, nước giải khát lại trở nên rất sôi động, lượng tiêu thụ tăng mạnh một phần do nhu cầu biếu tặng và tiêu dùng ngày Tết. Năm nay dù các công ty đều khẳng định hàng nhiều nhưng giá lại đang tăng mỗi ngày. Khả năng bia, nước ngọt tăng giá vài chục phần trăm rất có thể sẽ xảy ra.
Mỗi ngày một giá
Ngày 8-1, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online thử khảo sát giá cả mặt hàng bia và nước giải khát tại một số đại lý bán sỉ ở một số tuyến đường như Lê Quang Sung (quận 6); Nguyễn Thông (quận 3) trên địa bàn TPHCM. Còn 25 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tình trạng tăng giá mỗi ngày đã diễn ra.
Giá một số loại bia, nước ngọt thông dụng trên thị trường hiện ở mức khá cao. Ví dụ, bia Heineken ở mức từ 330.000-335.000 đồng/thùng; bia Tiger ở mức 225.000-228.000 đồng/thùng; bia 333 mức 192.000-197.000 đồng/thùng; nước ngọt Coca- cola từ 148.000-152.000 đồng/thùng; Pepsi, 7 up: 146.000- 150.000 đồng/thùng; xá xị Chương Dương: 100.000- 104.000 đồng/thùng; trà xanh 0 độ: 140.000-145.000 đồng/thùng; trà Dr Thanh: 165.000-170.000 đồng/thùng… So với thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12-2010, các mức giá này đã tăng khoảng 10- 15% khi các nhà sản xuất, nhập khẩu điều chỉnh giá với lý do giá đầu vào tăng.
Do giá cả biến động từng ngày theo hướng hôm sau cao hơn hôm trước nên đa số các đại lý bia nước ngọt chỉ dám “bao giá” trong ngày, không chắc chắn mức giá sẽ như thế nào vào những ngày tiếp theo. Nhân viên bán hàng của đại lý Bình Lan (16 Lê Quang Sung, quận 6) nhấn mạnh: “Mua ngày nào tính giá ngày đó. Ví dụ như Heineken, hôm qua tôi bán ra ba trăm ba mươi ngàn nhưng nay tăng thêm 5 ngàn nữa rồi. Ngày mai chưa biết là bao nhiêu”.
Theo các cửa hàng, lý do không thể giữ giá trong nhiều ngày là vì các công ty cung ứng cũng liên tục đổi giá theo chiều hướng tăng, buộc họ phải tăng theo. Và cũng vì lý do này, hầu hết các đại lý đều không chấp nhận hình thức đặt tiền trước, lấy hàng sau để giữ giá.
“Chị muốn mua bao nhiêu, đặt đủ tiền nhưng hôm nào lấy hàng thì tính giá hôm đó, không thể tính giá ngày đặt hàng được. Tụi tôi không thể chủ động nguồn hàng vì đâu biết lúc nào công ty sẽ ngừng giao. Thấy thị trường hút hàng là họ tìm cách găm hàng đẩy giá liền. Lúc thì bận họp, khi thì liên hoan cuối năm… Nhận rồi giá lên, chúng tôi lỗ sao?”, nhân viên cửa hàng Dủ Nguyên (số 1 Lê Quang Sung, quận 6) nói.
Cũng theo các cửa hàng, một điều khá chắc chắn là càng cận Tết, giá bia, nước ngọt càng tăng do nhu cầu lớn, giá có thể đội lên cả 50-70% so với giá thời điểm đầu tháng Chạp này. Chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Thông, quận 3 cho rằng, thời điểm cận tết là lúc người tiêu dùng lẻ bắt đầu mua hàng, đẩy cầu lên. Tuy nhiên, đây lại là lúc các công ty bia cũng như các đại lý cấp 1 chuyên lấy lý do hết hàng, chưa sản xuất kịp để giảm luợng hàng bán ra. “Hàng khan thì đẩy giá cỡ nào chẳng được. Bao nhiêu năm nay đều thế dù năm nào nhà sản xuất cũng nói tăng sản lượng”, chủ cửa hàng này kết luận.
Sẽ nhập thêm 350.000 thùng bia?
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Maximart, chủng loại, mẫu mã của mặt hàng bia, nước giải khát nhập khẩu năm nay đa dạng, phong phú hơn hẳn mọi năm. “Chưa có năm nào nhiều hàng mới như năm nay. Nào là bia Tiệp, bia Đức, bia Mỹ, bia Ý… đủ loại cả”, bà Hồng nói. Thêm vào đó, các nhà máy bia cho biết đều đã chạy hết công suất. Nhưng thực tế, giá bia trên thị trường vẫn “nóng” từng ngày, liệu có phải do cung cầu mất cân đối tạm thời trong dịp Tết?
Vừa qua, công ty liên doanh nhà máy bia Việt Nam (VBL - công ty sản xuất hàng loạt nhãn hàng như Heineken, Fosters, Tiger, Carlsberg và San Miguel) đã xin Uỷ ban Nhân dân TPHCM cho nhập khẩu 350.000 thùng bia Heineken lon trong các tháng 11,12-2010 và tháng 1-2011 để “đáp ứng nhu cầu thị trường phát sinh các tháng cuối năm 2010 và cận tết”. Riêng trong 2 tháng: 12-2010 và tháng 1-2011, công ty này xin nhập khoảng 150.000 thùng bia Heineken/tháng, trị giá 900.000 đô la Mỹ/đợt.
Theo giải thích của liên doanh này, sản lượng bia của công ty hiện đã được nâng lên thêm 300.000 lít/năm nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu quá lớn trong dịp Tết. “Nhà máy đã chạy hết công suất mà vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường”, VBL cho biết.
Tuy nhiên, UBND TPHCM chưa đồng ý đề nghị của VBL với lý do bia rượu không phải là mặt hàng thiết yếu, nếu nhập với số lượng lớn sẽ tác động đến kim ngạch nhập khẩu của thành phố. Sự việc đang tiếp tục được xem xét trong khi VBL kêu rằng, công ty này đã đặt hàng 400.000 thùng bia từ đối tác Singapore và Thái Lan từ giữa năm 2010 và có thể bị phạt nếu không được phép nhập số hàng đó.
Trong khi đó, một trong những nhà sản xuất trong nước là Tổng công ty bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), - đơn vị chiếm trên 30% thị phần - đặt mục tiêu tiêu thụ 1 tỉ lít bia trong năm 2010, tăng hơn 10% so với năm 2009 (với 895 triệu lít sản phẩm các lọai). Đến cuối tháng 11-2010, công ty này công bố đã hoàn thành kế hoạch trên.
Về sản lượng trong dịp tết, ông Lê Hồng Xanh, Giám đốc điều hành marketing Sabeco trả lời trên một tờ báo rằng, công ty này sẽ cung cấp ra thị trường từ 100-120 triệu lít bia, tăng 30% so với mùa tết năm ngoái và sản xuất dự trữ tăng thêm 20-30% nên không có chuyện thiếu hàng.
Theo ước tính, sản lượng bia của các nhà máy bia Việt Nam đến hết năm 2010 vào khoảng 3,5 tỉ lít/năm, thị phần chủ yếu vẫn nằm trong các công ty có vốn Nhà nước là Sabeco (khoảng 34%) và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội tức Habeco (khoảng 19%), còn lại thuộc về các liên doanh, đáng kể nhất là VBL.Ngoài ra, số liệu mới nhất của Cục Hải quan TPHCM cho thấy, trong tháng 11-2010, kim ngạch nhập khẩu bia qua các cửa khẩu của thành phố là hơn 110.000 đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch lũy kế trong 11 tháng đầu năm lên gần 800.000 đô la Mỹ. |
No comments:
Post a Comment