Wednesday, January 12, 2011

22/01 Nhớ lại


23:52 | 22/01/2011

Đi công tác Hà Nội nhiều lần, mấy năm trước mới có dịp thăm thủ đô những ngày cận Tết, tôi được ngắm nhiều gốc mai vàng tươi bên cạnh vô số cành đào đỏ thắm dọc đê Nghi Tàm. Thật bồi hồi. Đất nước êm tiếng súng đạn, đào mai mới hội ngộ.
Tốt nghiệp bác sỹ y khoa năm 1970, nhận học vị tiến sĩ y khoa năm 1972, là giảng viên đại học y khoa Sài Gòn từ năm 1973 ngành ung thư học. Năm 1974 lấy bằng ECFMG của Hoa Kỳ. Tôi được học với nhiều thầy: Gs. Phạm Biểu Tâm, Gs. Ngô Gia Hy, Gs. Nguyễn Hữu, Gs. Đào Đức Hoành... Năm 1975 có học tập cải tạo sĩ quan chế độ cũ một thời gian vì mang quân hàm bác sĩ trung úy. Sau đó được tiếp tục làm giảng viên Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.

Khi đất nước thống nhất, tôi chỉ là thầy thuốc, thầy giáo trẻ 31 tuổi. Bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu khó khăn. Làm sao quên được buổi đầu BS Nguyễn Trọng Nhâm, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, chúng tôi gọi thân thương là anh Mười Nhâm, tạo sức bật cho anh em trẻ: Bs Văn Tần – trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bs Võ Thành Phụng – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình. Tôi đề nghị chuyển tên khoa “Ung thư” thành “Ung bướu”, anh Mười chịu quá, xin ý kiến trên được đồng ý. Đến nay từ “ung bướu” được dùng rộng khắp. Gs Trương Công Trung, Hiệu trưởng Đại học Y dược thường xuyên dẫn đoàn giáo viên đi thực tế các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tôi học nghề ông về y tế nhân dân, đặc biệt lưu tâm đồng bào lam lũ vùng sâu vùng xa, lo phát triển y tế địa phương. Sau này viết báo, nói chuyện trên tivi, tôi theo lời dặn dò của anh Ba Trung thân kính. Tài liệu giảng dạy ung thư in ấn bằng tiếng Việt đầu tiên cho trường, sách phổ cập dễ hiểu cho mọi người, đều có sự động viên mạnh mẽ của anh Ba. Còn nhớ cầm sách Ung thư học lâm sàng, ánh mắt anh Ba ấm áp “Vui quá, Chấn Hùng!”.


 Nhớ lại tôi càng thấm sự chăm chút của lãnh đạo đối với anh em trí thức y tế.

Nay nói đến Bệnh viện Ung bướu, ai mà không biết quá tải, chật chội chờ đợi. Làm sao được, đây là địa chỉ khá tin cậy của bà con, còn biết đi đâu nữa. Bệnh viện loại một, 1.100 giường, được xếp là tuyến Trung ương, cơ sở giảng dạy đào tạo ung bướu chính quy. Chặng đường xây dựng không thiếu khó khăn gian khổ. Năm 1984, Bs Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế động viên tôi: “Cứu mạng người, xây bảy kiểng chùa, làm được nơi thật chuyên khoa để lo cho đồng bào thì hay hơn nữa”. Tôi sợ quá, làm sao lãnh đạo và xây dựng bệnh viện chuyên khoa nổi. Nhưng anh Tư có tấm lòng và cái nhìn chiến lược, lo xây dựng bao nhiêu trung tâm chuyên khoa: Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng, viện Tim... Thêm trường Đại học Y Dượåc TP Hồ Chí Minh nữa, quen gọi là trung tâm Đào tạo. Anh Tư vất vả biết bao. Phải theo anh thôi.

Anh Ba Trung ở trường Y, anh Tư Trung ở Sở Y tế đều năng động, sôi nổi với cái nhìn chiến lược, một lòng cho sự đào tạo đội ngũ y tế, một lòng cho sức khoẻ đồng bào, cuốn hút anh em trẻ. Đại học Y – Dược lớn mạnh, Đại học Y Cần Thơ vững vàng, tôi là người trong cuộc, nhớ sự đóng góp vô vàn của Gs Trương Công Trung. Còn ở thành phố, nhiều bệnh viện lên hạng I, chuyên khoa đầu ngành, cùng trường Y Phạm Ngọc Thạch và nhiều sự phát triển khác đều là thành quả đầu óc nhìn xa trông rộng của Viện sỹ tiến sỹ Dương Quang Trung với sự tin yêu của anh em trí thức ngành y. Hai mươi năm trước, dược sỹ Nguyễn Duy Cương – Thứ trưởng Bộ Y tế tạo điều kiện cho tôi sang Pháp mở rộng tầm nhìn. Anh Ba thật có định hướng đầu tư chiến lược anh em trẻ. Từ đó tôi xây dựng được bao mối quan hệ chuyên môn để phát triển ngành và đội ngũ.

Rồi tôi cũng lớn lên cùng đội ngũ trẻ của mình. Có lúc tôi bạc đầu vì bà con bệnh nhân chờ máy xạ trị cũ hư không sửa được. Sang Pháp, xin được hai máy xạ trị Cobalt. Máy tốt đang dùng, họ đổi máy đời mới - họ lo hết, chuyên chở lắp ráp đào tạo sử dụng. Báo về nhà, được chấp thuận, vui quá biết chia sẻ cùng ai, tôi đứng trên cầu Saint Cloud sông Seine mà nước mắt chảy dài. Nhớ hoài. Khó khăn dồn dập, thuận lợi tiếp nối. Lãnh đạo Thành phố cấp đất, thật là đất vàng, cho vay kích cầu để xây dựng khu xạ trị gia tốc hiện đại thành cơ sở 2 của bệnh viện Ung bướu. Biết hai máy xạ gia tốc đã xuống tàu. Nghe tin sóng thần, tôi ngủ không yên. Rủi tàu chở máy chìm thì... Ngày khánh thành, tôi mời anh Nguyễn Thành Tài cùng tôi vuốt ve máy mới. Thương lắm hai máy xịn sẽ giúp bao nhiêu bà con bị bệnh. Đội ngũ ngày càng lớn mạnh, vững vàng. Bệnh viện Ung bướu chung lo với các tỉnh, xây dựng mạng lưới, đào tạo đội ngũ. Mở rộng liên hệ quốc tế. Bs Đoàn Thúy Ba - Thứ trưởng Bộ Y tế cứ nhắc nhở: “Làm tốt đó, chị có mặt trên từng cây số với tụi em”. Chúng tôi có hai bà chị: chị Ba và chị Tư. Mấy hôm trước thấy chị Tư Liên đi đứng khoẻ mạnh, nét mặt vui tươi thật ấm lòng. Chị Đỗ Duy Liên luôn chỉ đạo và khuyến khích cậu em “được lắm”. Yên tâm, hả dạ. Cảm động nhớ chị Phạm Phương Thảo khi là phó chủ tịch UBND TP một lòng lo giúp xây dựng khoa nhi cho các cháu bệnh. Nhiều chuyện kể hoài không hết. Vậy mà vẫn canh cánh bên lòng “mong có sự đầu tư rõ nét chiến lược sức khoẻ cho đồng bào”.

Tôi ghiền những dòng sông và những con cầu. Tuổi thơ tôi lớn lên bên dòng sông Thủ Thừa, nối hai sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây – có cầu Bến Lức, cầu Tân An. Tuổi học trò trôi qua bên bờ sông Tiền Mỹ Tho. Gần đây được đi suốt từ đèo Ngang trở vào, tôi ngẩn ngơ bồi hồi với các cây cầu với các dòng sông đầy lịch sử: sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn. Ở thành phố gần nửa thế kỷ, nay mới ngắm dòng sông Sài Gòn thân quen từ trên cầu Phú Mỹ. Có cầu Rạch Miễu, Bến Tre không còn là đảo quốc, rồi đây sẽ là một Venice Việt. Mấy tháng trước, tôi thăm cầu Cần Thơ lúc mới hừng sáng. Mặt trời mọc, ánh lên dòng sông. Đẹp quá, con cầu nối cuối cùng thông mọi miền đất nước. Một vận hội mới đây. Sao mà nhớ ông Võ Văn Kiệt, một người vững tay tạo vận hội. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sinh thời có lần rủ tôi đến nhà. “Anh em mình cùng thưởng thức chai rượu vang của anh Sáu Dân”. Tết năm nào Thủ tướng cũng gởi tặng cành đào và chai rượu ngon. Xưa chiêu hiền đãi sĩ, nay chắt chiu chất xám.

Đào đỏ thắm, mai vàng tươi. Các con cầu trên các dòng sông quê hương nối liền mọi miền tổ quốc. Đất nước tiếp tục phát triển, luôn có nhiều thách thức phía trước. Cầu mong tổ quốc ngày thêm rạng rỡ.
Gs.Bs Nguyễn Chấn Hùng

No comments:

Post a Comment