Cập nhật lúc 07:42, Thứ Ba, 02/11/2010 (GMT+7)
- Để có tiền "nuôi dế" hoặc đổi điện thoại sành điệu để bằng bạn bằng bè, có teen nữ đã chấp nhận "bán thân". M.N là một ví dụ, ban đầu cô bé chỉ "làm" vì trả món nợ "bắn thẻ điện thoại", nhưng sau đó, mỗi lần thiếu tiền tiêu, N. lại nhắm mắt "làm liều".
>> Khám phá ’điện thoại đen’ trên ghế nhà trường
"Bán thân" để nuôi “dế”
Những cô cậu bé đang đến tuổi đến trường, số tiền có được là gom góp từ tiền tiêu vặt hàng tháng mà bố mẹ cho. Với những em gia đình có điều kiện thì không quá khó để “nuôi dế”, nhưng với nhiều em khi bố mẹ chặt chẽ hơn trong các khoản chi tiêu thì lại phải xoay đủ cách để kiếm tiền.
Phương Minh (quận Đống Đa, Hà Nội) đang ở "diện" vừa học vừa làm. Cô bé hiện đang là cộng tác viên cho một trang web dành cho giới trẻ. Minh cho biết ban đầu em đi làm cũng mục đích chỉ có tiền đi shopping và buôn điện thoại.
Nhiều teen sẵn sàng "bán thân" nuôi "dế" - (Ảnh minh họa)
Em tìm việc qua một diễn đàn trên mạng và bắt đầu đi làm. Cô bé hồ hởi chia sẻ: “Dù nhuận bút không được bao nhiêu nhưng em cũng đã tự mình làm được tiền tiêu vặt không phải xin mẹ tiền nạp thẻ điện thoại hàng tuần nữa”. So với nhiều bạn cùng trang lứa, Minh đã biết tự lao động, để kiếm tiền tiêu, ít nhất là trang trải cho "dế" yêu mà hiện nay học sinh nào hầu như cũng sở hữu một cái.
Ngược lại, câu chuyện của M.N lại là một điển hình của sự sa ngã quá dễ dãi. Chỉ vì thiếu tiền nạp điện thoại, M.N đã trượt dài đến không ngờ.
Gia đình không quá khó khăn, nhưng ba mẹ lại rất khắt khe trong chuyện quản lí tiền nên M.N đã vay bạn bè để nạp thẻ hàng tháng. Khoản nợ này dần lớn lên, đến khi bạn bè đòi M.N mới sợ hãi nghĩ đủ mọi cách để kiếm tiền.
Cô bé lên mạng lân la làm quen với nhiều nick chat và nhờ các anh bạn “hờ” trên mạng "bắn" tiền qua số điện thoại, bù lại sẽ có những "trao đổi riêng".
Ban đầu, M.N chỉ "làm" vì trả món nợ ban đầu, nhưng sau đó những lần thiếu tiền tiêu, M.N lại nhắm mắt "làm liều".
Cho đến một ngày, mẹ cô bé tưởng con gái đã đi học nên mở cửa phòng để dọn dẹp thì đập ngay vào mắt là cảnh cô con gái yêu đang lả lơi trước màn hình máy tính, trên người không một mảnh vải che thân.
Người mẹ hoảng quá ngất xỉu ngay cửa phòng. Còn M.N sau đó bị tịch thu hết từ điện thoại, latop… đến niềm tin với bố mẹ cô cũng đánh mất nốt.
Không hiếm những em học sinh bớt xén tiền học phí, bớt xén tiền đóng góp... để “nuôi di động”. Chị Vinh (TP Vinh, Nghệ An) đã bất ngờ khi cô giáo chủ nhiệm thông báo cậu con trai đầu của mình vẫn chưa đóng học phí.
Sau khi họp phụ huynh từ đầu năm, chị đã cho con tiền đi đóng các khoản, nhưng đến cuối kì lại nhận được giấy thông báo từ cô giáo chủ nhiệm.
Ban đầu chị nghĩ cô giáo nhầm lẫn nên đến trường để hỏi cho rõ, cô giáo đưa danh sách ra chị mới vỡ lẽ. Chàng “quý tử” đã đem số tiền của mẹ cho để tiêu. Gặng hỏi mãi, cậu mới thú nhận phần lớn là để nạp tiền điện thoại "buôn" với cô bạn gái.
Điện thoại chỉ để “cắm”Bố giám đốc công ty xây dựng, mẹ là trưởng phòng tại một ngân hàng, là con trai “độc” nên Nguyễn Minh (Giảng Võ, Hà Nội) không phải lo bất cứ vấn đề tiền nong nào. Tuy nhiên, lên đến cấp 3, do bị cô giáo chủ nhiệm suốt ngày nhắc nhở nên bố Minh đã cắt mọi khoản chi tiêu của cậu.
Cứ hết tiền tiêu là Minh lại mang điện thoại để “đi mượn tiền”. Cứ chuộc về được vài hôm, thiếu tiền cậu lại ra hiệu cầm đồ - (Ảnh minh hoạ)
Bởi vậy, bất cứ khoản thu chi nào chỉ khi có giấy chứng nhận của cô giáo cậu mới được bố mẹ cho.
Ấm ức và quen thói xài sang, Minh tìm đủ mọi cách để xoay tiền tiếp tục ăn chơi với hội bạn. Bao nhiêu điện thoại bố mẹ mua cho thuộc hàng đắt tiền trước đây, Minh đều "gửi" vào hiệu cầm đồ để nhanh chóng có tiền bao cho lũ bạn.
Vì thương con, người mẹ lại dấm dúi mỗi lần đưa cho Minh một ít để ra hiệu chuộc lại.
Minh hồn nhiên: “Sợ ông già về không thấy điện thoại lại làm ầm ĩ lên nên cứ lần nào “dế” nằm ngoài hiệu cầm đồ là y như rằng bà già lại chuộc về cho”.
Minh từng tuyên bố với bạn bè: “Mình không bao giờ nhắn tin, chỉ gọi thôi, bạn nào trong lớp hết tiền cứ nháy máy mình gọi lại”. Cả lớp nhìn Minh bằng con mắt đầy ngưỡng mộ. Và để trả giá cho sự ngưỡng mộ ấy, Minh suốt ngày đến tiệm cầm đồ.
Bởi vậy, cứ hết tiền tiêu là Minh lại mang điện thoại để “đi mượn tiền”. Cứ chuộc về được vài hôm, thiếu tiền cậu lại ra hiệu cầm đồ.
Những người như Minh không thiếu trong các trường PTTH ở Hà Nội, khi "dế" trở thành vật "bất ly thân" của học sinh hiện nay.
Bản điều tra về hiện trạng HS Hà Nội sử dụng điện thoại di động do VietNamNet thực hiện tại 4 trường THCS Kim Liên, Nguyễn Tất Thành, Lô mô nô xốp, Đoàn Thị Điểm và 4 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Nguyễn Trãi (800 phiếu phát ra/ 800 phiếu nhận về với 20 câu hỏi/1 phiếu). Thời gian điều tra từ 6/5/2010 đến 20/5/2010.
Trong 800 em được hỏi, có 38,5% nhắn dưới 5 tin/ 1 ngày, 29% nhắn trên 10 in/ngày, 13,8% nhắn 30 đến 40 tin/ngày; 29% liên lạc với bố mẹ nhiều nhất, còn lại 71% là liên lạc với bạn bè; 58.7% xin tiền bố mẹ nạp thẻ, 40% dành tiền riêng để nạp; 82% dùng điện thoại di động trong giờ học, số còn lại thỉnh thoảng, còn 0,1% là chưa bao giờ dùng trong giờ học
Hồng Khanh
Ngọc Trang - Hồng Kiều
Kỳ 3: 1001 "mưu" dối phụ huynh, "lừa" cô giáo để dùng di động
>> Khám phá ’điện thoại đen’ trên ghế nhà trường
No comments:
Post a Comment