Monday, March 22, 2010

22/03 "Bậc thầy" Alessandro Baricco: Cần leo núi để học… viết văn


Thứ hai, 22/03/2010 08:22 AM
Có lẽ bản dịch Lụa và bộ phim cùng tên với sự tham gia của ngôi sao Keira Knightley gây tiếng vang tại Việt Nam cách nay ba năm, là cơ duyên đưa Alessandro Baricco đến VN.
Nhà văn Ý này cuốn hút thính giả khi nói về nghệ thuật kể chuyện tại Hội sách TP HCM bằng giọng rõ ràng, rành mạch ngầm chứa sự hài hước, duyên dáng...

Giọng điệu riêng quan trọng nhất

Chẳng phải ngẫu nhiên mà văn đàn nước Ý tặng ông danh hiệu “bậc thầy kể chuyện”. Mỗi một câu chuyện, Baricco đều tìm tòi một cách kể riêng hết sức độc đáo. “Ý tưởng thường là những chuyện đơn giản trong cuộc sống, nhưng cách kể thì tôi thường phải mất từ hai đến ba năm cho một câu chuyện”. Ông đã mất 10 năm mới tìm ra cách kể cho một cuốn sách sắp xuất bản.
Đặt tầm quan trọng của cách kể chuyện lên hàng đầu trong công việc sáng tác, năm 1993, Barrico cùng 4 người bạn mở một trường dạy nghệ thuật kể chuyện. Ông đặt tên trường là Holden, lấy cảm hứng từ nhân vật Holden Caulfield đầy cá tính, bị nhiều trường học từ chối trong tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh (của nhà văn Mỹ J. D. Salinger). Ông nói: “Chúng tôi muốn lập một ngôi trường phù hợp với những người như Holden Caulfield, mỗi khóa đào tạo hai năm, không chấm điểm gì cả. Hơn một nửa giáo viên và sinh viên của trường có cá tính “điên điên khùng khùng”. Không cứ phải viết văn, ngôi trường dành cho bất kỳ ai đang làm việc trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh… đến học cách kể lại câu chuyện của mình càng thật càng tốt”. 

 Nhà văn Alessandro Baricco ký tặng lên sách cho độc giả. Ảnh: M Chánh
Và bài học đầu tiên của họ khi vào trường cũng không giống ai: học leo núi trong ba ngày. Ông lý giải, leo núi là cách để các học viên thấy rằng việc kể chuyện cũng khó khăn, nặng nhọc chứ không hề đơn giản. Trong quá trình leo núi, tính cách của mỗi học viên sẽ bộc lộ và cuối cùng, khi đêm xuống, mọi người sẽ nghỉ ngơi và kể cho nhau những gì họ đã làm trong ngày. Đó là cách học tường thuật lại câu chuyện. Theo ông, có những nguyên tắc, tiêu chuẩn để trở thành một người kể chuyện giỏi đã được nhiều nhà văn, đạo diễn nổi tiếng đúc kết. Nhưng những nguyên tắc đó không quan trọng bằng việc mỗi học viên phải tự tìm cho mình một giọng điệu riêng. Nguyên tắc của ông là giúp đỡ họ tự tìm ra nguyên tắc cho chính mình. Ông cảm thấy hài lòng vì đạt được nhiều kết quả, đào tạo được hai nhà văn Italia nổi tiếng.
Không biết viết gì thêm trong "Lụa"

Buổi giao lưu với Baricco tại Hội sách TP HCM ngẫu nhiên trở thành diễn đàn để nhiều bạn đọc bày tỏ nỗi “ấm ức” về tiểu thuyết Lụa. Dù rất hẫp dẫn, nhưng Lụa dễ khiến người ta hụt hẫng vì có dung lượng quá ngắn đối với một câu chuyện trải dài cả về không gian lẫn thời gian. Ông giải thích: “Đơn giản là vì tôi muốn kể lại câu chuyện một cách ngắn gọn, không bình luận gì thêm. Trong câu chuyện, chỉ có lời thoại, hành động và những gì đã xảy ra mới được kể lại. Bản thân Lụa là như thế, tôi chẳng nói thêm điều gì. Khi viết câu chuyện này, tôi tự tách mình ra làm đôi, bản thân tôi cũng bị hấp dẫn và ngạc nhiên bởi một chuyện tình như thế. Những sự việc xảy ra thật quá sức tưởng tượng, khiến tôi chẳng biết nói gì về nó”. Ông cũng cho biết, Lụa ra đời khá kỳ lạ, vì khi bắt đầu viết nó, ông định sẽ viết về đánh cờ với mỗi chương là một nước cờ.
Sex là một mối nguy

Đọc tác phẩm của Baricco, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của sex trong nội dung tác phẩm. Nhưng bằng lối kể chuyện bậc thầy, sex trong văn của ông không hề thô tục, trần trụi, mà ẩn hiện, như một sợi dây vô hình xâu kết các tình tiết lại với nhau. 

Ông nêu quan điểm: “Việc tạo ra các pha sex trong tác phẩm văn học là rất khó, bởi nó là một mối nguy. Nên sex chỉ xuất hiện khi xét thấy cần thiết cho yếu tố nghệ thuật, để thể hiện nhân vật chứ không nên là trò câu khách, nhằm bán nhiều sách.
Nói về bộ phim Lụa cũng nổi tiếng không kém, Baricco thừa nhận bộ phim đã tái hiện những cảnh rất đẹp, nhẹ nhàng và tinh tế, nhưng đáng tiếc là ông không còn thấy được tính gợi cảm như trong tác phẩm của mình. Bộ phim vì thế chỉ tải được nội dung mà để mất đi cái hồn của câu chuyện. “Trong Lụa có nhiều điều bí ẩn mà bức màn chỉ được vén lên vào cuối truyện. Văn học có thể làm được điều này nhưng điện ảnh thì không”, ông chia sẻ. Tuy nhiên, Baricco không hoàn toàn đồng ý với quan điểm điện ảnh có giết chết thế giới tưởng tượng, hư cấu của văn học. Ông nói: “Điện ảnh có thể giết chết một phần thế giới tưởng tượng của văn học. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó cũng giúp tác phẩm văn học thăng hoa. Điều này cũng giống như khi bạn chơi cây cảnh. Bạn sẽ phải tỉa bớt một số thứ để phát triển một số thứ khác”.        
Ba tác phẩm của Baricco có bản tiếng Việt: Lụa (Seta, 2007, NXB Văn học và công ty Nhã Nam), Đại dương biển (Oceano Mare, 2009, NXB Văn hóa Sài Gòn và công ty Nhã Nam), Không lấm máu (Senza sangue, 2009, NXB Trẻ).
Theo BaoDatViet

No comments:

Post a Comment