Friday, February 5, 2010

05/02 Ca nương Bạch Vân: Người lội ngược dòng


Thứ sáu, 05/02/2010 09:34 AM

Mỹ từ ca nương được dùng cho những người hát ca trù và mỹ từ ấy được gắn với cái tên Bạch Vân hơn 20 năm qua. Không những sở hữu một giọng hát làm say lòng người, chị còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội....
- Được biết chị đang theo học trung cấp thanh nhạc thuộc Trường Âm nhạc Việt Nam( nay là Học viện âm nhạc Quốc Gia Việt Nam), đã chuyển sang học khoa thanh nhạc của trường Đại học Văn hóa. Từ đó, tạo nên bước ngoặt, chịtừ một ca sỹ nhạc trẻ chuyển sang dòng nhạc dân tộc. Xin chị cho biết, tại sao chị lại đến với ca trù trong lúc loại hình nghệ thuật này đang có nguy cơ tàn lụi ?
Ca nương Bạch Vân: Tôi sinh ra tại Thanh Chương – Nghệ An, ngay từ ngày bé tôi đã được cha dạy ngâm thơ Đường, mẹ dạy dân ca, trong tôi đã có tình yêu với các môn nghệ thuật truyền thống. Khi lớn lên, tôi đã chọn nghề văn hoặc hội họa, nhưng rồi lại rẽ theo nghiệp ca hát, có lẽ duyên tiền định từ kiếp trước. Lần đầu tiên khi được nghe NSND Quách Thị Hồ (người được phong danh hiệu NSND đầu tiên của Việt Nam) hát, tôi đã mê đắm môn nghệ thuật này. Mong muốn của tôi là được hát, được sống trong không gian nghệ thuật cổ xưa nhưng cũng hết sức uyên bác này. Lúc đó yêu thích thì tìm theo học chứ không mong một ngày nào đó cái tên Ca nương Bạch Vân sẽ được đông đảo mọi người biết đến.

- Muốn hát được ca trù quan trọng nhất là phải có giọng hát hay và gân tay để gõ phách, bên cạnh đó là phải tìm được thầy giỏi. Chị có thể kể qua quá trình chị học ca trù?
Ca nương Bạch Vân: Thời tôi bắt đầu học ca trù là những năm 80 của thế kỷ trước. Khi ấy Ca trù chưa được tôn vinh như bây giờ. Cái danh "con hát" ngày xưa hàm ý miệt thị, khinh khi đã khiến các nghệ nhân “mai danh ẩn tích”. Nghệ nhân ca trù sống ở Hà Nội nhiều lắm nhưng rất khó tìm thấy. Có người nói tôi đang lội ngược dòng, người ta phù thịnh chứ ai phù suy..., tôi không mấy quan tâm mà cố gắng tìm thầy để học. Hỏi thăm mãi tôi mới tìm được nghệ nhân Quách Thi Hồ, Phó Thị Kim Đức, Chu Văn Du, Nguyễn Thị Phúc… nhưng khi tôi ngỏ ý muốnhọc ca trù thì các cụ đều từ chối. Tôi cứ đến, cứ xin học, cứ nói chuyện về ca trù…, sau một thời gian dài, cụ Quách Thị Hồ nhận thấy sự quyết tâm cũng như lòng ham mê của tôi nên đã đồng ý dạy. Dần dần cụ Phúc, cụ Chu Văn Du và cụ Kim Đức cũng đã nhận tôi làm học trò.

- Nhiều người yêu ca trù thường đến với Bích Câu Đạo Quán để lắng nghe tiếng phách và giọng ca sâu lắng của chị. Xin chị cho biết quá trình phát triển của Câu lạc bộ ca trù Hà Nội ?
Ca nương Bạch Vân:Vào năm 1988, tôi có xin Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho thành lập câu lạc bộ ca trù với mục đích phục hồi môn nghệ thuật này. Đến năm 1991 câu lạc bộ chính thức ra mắt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ban đầu hội hoạt động tại Vân Hồ với 20 người. Đến năm 2003 chuyển về Bích Câu đạo quán hoạt động cho đến nay. Những ngày đầu thành lập, Câu lạc bộ ca trù Hà Nội được nhà văn Kim Lân, nhà viết kịch Tào Mạt, nhà thơ Vũ Đình Liên, tiến sĩ văn học Đoàn Hương đến thưởng thức và động viên. Để tổ chức một đêm catrù, đích thân tôi đến mời và đưa đón các nghệ nhân về biểu diễn. Các cụ ở xaphải lo đưa rước, ăn ở, tiền tàu xe.

- Chị lấy đâu ra tiền để duy trì hoạt động của hội?
Ca nương Bạch Vân: Số tiền mà tôi bỏ ra được lấy từ việc tôi dạy âm nhạc, dạy xướng âm và viết báo. Khi mới thành lập, mỗi năm lỗ 5 đến 10 triệu (khi đó thì số tiền này rất lớn) nhưng nhờ tình yêu với ca trù và mong muốn khôi phục lại môn nghệ thuật này, tôi vẫn quyết tâm làm. Đến nay, hội đã tồn tại được 20 năm.

- Xin chị cho biết hoạt động thường niên của hội như thế nào ?
Ca nương Bạch Vân: Ban đầu thì hội biểu diễn vào sáng chủ nhật cuối tháng. Sau đó nhiều người đến xem và có ý muốn hội mở nhiều hơn nên tôi quyết định tổ chức biểu diễn thêm vào sáng chủ nhật tuần thứ 2 của tháng. Tối thứ 7 hàng tuần sau khi biểu diễn, tôi còn dành thời gian để giao lưu với khán giả, trả lời những câu hỏi của họ về ca trù. Nhiều người đến xem và đã nhận xét, Hà Nội có một điểm như Câu lạc bộ ca trù Hà Nội là rất độc đáo, cần giữ gìn.
- Chị có thể kể về những thành viên trong Câu lạc bộ ca trù Hà Nội ?
Ca nương Bạch Vân: Những thành viên trong hội gồm hai thành phần chính, đó là những người biểu diễn và những người yêu thích đến thưởng thức. Họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, lớn tuổi nhất là cụ Nguyễn Kiều và cụ Đỗ Cung hưởng thọ 98 tuổi. Nhỏ nhất là cháu Phạm Yến Trà My, năm nay mới 4 tuổi. Ngoài đời họ làm những công việc khác nhưng có một điểm chung là đều có đammê ca trù. Có một điều đáng buồn, bây giờ để tìm được những người đam mêca trù thì rất khó. Khi ca trù được Unesco công nhận là văn hóa phi vật thể, có rất nhiều người tò mò tìm hiểu. Có người muốn đến học ca trù nhưng bản chất là học cho biết vì thấy cũng “hay hay” chứ không phải xuất phát từ lòng đam mê thật sự.
- Thiết nghĩ, khi ca trù được thế giới công nhận là văn hóa phi vật thể, được nhiều sự quan tâm, đó cũng là một điều tốt.
Ca nương Bạch Vân: Theo quan niệm của tôi, để lưu giữ nghệ thuật ca trù không trông chờ vào tác động bên ngoài mà phải từ nội lực bên trong. Ca trù là môn nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, vậy chính người Việt Nam phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ nó.

- Mỗi nền nghệ thuật đều có dấu ấn của lịch sử, ca trù có thể nói đã qua thời hưng thịnh, muốn khôi phục lại, theo chị phải làm gì ?
Ca nương Bạch Vân: Đây không phải là công việc một sớm một chiều có thể làm ngay được; cũng không phải chỉ của những người yêu mến ca trù. Muốn ca trù phát triển, trước tiên phải nói đến vấn đề đào tạo thế hệ mới với những phương pháp bài bản. Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu, những cơ quan chức năng cũng cần có những động thái nhất định để phát triển môn nghệ thuật này một cách rõ ràng. Người tài không hiếm, người muốn cống hiến và hết mình với môn nghệ thuật này không phải không tìm ra. Vậy tạo sao chúng ta cứ đứng nhìn môn nghệ thuật đặc sắc này ngày một chết dần.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chuẩn bị bước sang năm mới, chúc chị có sức khỏe để tiếp tục xây dựng Câu lạc bộ ca trù Hà Nội ngày càng phát triển.

No comments:

Post a Comment