Tuesday, May 26, 2009

Đại Vệ văn minh chí dị (4)



Giáp Văn
Lại kể, chuyện bên nước Vệ diễn biến thế nào, bô lão và sĩ phu nước Vệ phản ứng ra sao, đều được nhất nhất báo về triều đình Tề quốc. Tề Bá Vương là Đào thấy vậy, mới họp quần thần lại phán rằng:
-Diệu kế tiêu diệt văn minh nước Vệ của ta có nguy cơ bị đám bô lão và sĩ phu bên đó phá hỏng. Vậy các ngươi có kế gì hay?
Rồi không chờ quần thần lên tiếng, Tề Bá Vương nói tiếp:
-Người nước Vệ ngoan cố kiên cường. Điều này ta đã dự liệu. Nhưng phá hỏng diệu kế của ta thì thật là quá lắm! Nhân tình hình nước Vệ đang căng như sợi dây đàn, ta kéo thêm một đầu nữa, nhất định đàn sẽ đứt.
Tể tướng nước Tề là Bảo, thấy vậy mới tâu rằng:
-Tin tức báo về cho thấy, tình hình nước Vệ ngày càng phức tạp. Dù triều đình nước Vệ đã cố công ngăn cản, nhưng đám bô lão và sĩ phu cũng không lùi bước. Đến nay đã ba lần dâng biểu, lại lôi kéo thêm vài nghìn người điểm chỉ kí tên, xem ra đại sự có thể bất thành.
-Vậy ngươi có kế gì hay, mau nói ta nghe!
Tề Bá Vương sốt ruột như có lửa đốt trong lòng. Thấy vậy, Bảo liền tâu tiếp:
-Muôn tâu! Thần đội ơn cất nhắc của bệ hạ nên ngày đêm suy nghĩ. Biết bệ hạ lo lắng chuyện thu phục nước Vệ, thần cũng ăn ngủ không ngon. Đêm qua thần đã nghĩ ra thập lục kế liên hoàn.
-Mau nói ta nghe!
Tề Bá Vương sốt ruột gắt. Bảo thấy vậy, liền hắng giọng tâu:
- Thần đọc Tôn Tử binh pháp thì thấy dạy rằng: “Việc binh là trá ngụy, có thể mà làm ra vẻ không có thể, dùng đấy mà tỏ ra không dùng, gần giả làm như xa, xa giả làm như gần. Lấy lợi mà dụ, gây rối mà đuổi, thấy khỏe thì tránh. Đầu tiên là làm mọi cách giảm nhược lực đối phương, sau rồi mới tiến hành dự định”.
-Nay tình hình nước Vệ như nồi nước sôi trên bếp, nên trước hết phải dùng kế Phủ để trừu tân, rút củi đáy nồi cho tình hình dịu xuống. Sau đó là Dục cầm cố tung, muốn bắt lại thả. Chuyện cao nguyên nước Vệ nhất định phải lấy, nhưng bệ hạ cứ xúi triều đình nước Vệ nói vống lên rằng, chuyện khai mỏ cao nguyên không liên quan gì đến nước Tề ta. Mấy vạn Tề phu ở đó cũng chỉ là hạng làm thuê, nước Vệ muốn đuổi khi nào thì đuổi. Chuyện lớn ta làm thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì. Không có gì mà lại có gì, muôn tâu!
-Hay!
Tề Bá Vương hứng chí vỗ đồi đánh đét một cái. Thấy vậy, Bảo biết mình đã nói trúng ý Đào Vương nên hớn hở tâu tiếp:
-Nước Vệ có cái biển Đông Hải, chiến lược hiểm yếu còn hơn cả cái cao nguyên khai mỏ. Nay theo ý Đại Vương ta kéo hai đầu, thì đám bô lão và sĩ phu nước Vệ lại ngỏng ra đấy cả. Như vậy là Điệu hổ ly sơn.
-Ta lại đi dây, Dương đông kích tây, hết cao nguyên lại sang Đông Hải, dân chúng nước Vệ như kiến vỡ đàn, cứ gọi là chạy theo rạc cẳng. Rồi nhân lúc tình hình nước Vệ rối ren, ta dùng kế Sấn hỏa đả kiếp, thừa cơ cháy nhà mà vơ vét làm khó nước Vệ.
-Quá hay!
Tề bá Vương không kìm được lòng, lại vỗ đùi đánh đét thêm một lần nữa, rồi giục:
-Nói tiếp ta nghe!
Bảo thấy vậy càng thêm tin tưởng, lấy hơi tâu liền một mạch:
-Cái biển Đông Hải này vốn là của tổ tiên nước Vệ từ mấy nghìn năm về trước. Ngày mới lập quốc, biết được vị thế hiểm yếu chiến lược, Lạc Long Quân là thủy tổ nước Vệ đã cắn răng xa vợ xa con ra biển canh giữ. Nay ta nhân tình hình nước Vệ rối ren mà Vô trung sinh hữu, biến không thành có, không chỉ cao nguyên mà thêm Đông Hải. Bệ hạ phen này Nhất tiễn hạ song điêu!
Tề Bá Vương nghe đến đây thì kích động cùng cực, nhổm hẳn dậy, giơ tay lên định vỗ đùi đánh đét một lần nữa, nhưng sau kịp định thần, nhíu mày suy nghĩ, nói:
-Điều này thì tiên đế đã theo đuổi suốt mấy trăm năm. Còn ta lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Nhưng biến không thành có thật không phải dễ. Của người ta do tổ tiên truyền lại suốt mấy nghìn năm, ta không thể chốc lát mà mang thẳng về nhà.
Bảo như đã chuẩn bị sẵn, tâu ngay lập tức:
-Người xưa đã dạy Phản khách vi chủ. Ta nay là khách, nhưng Cầm tặc cầm vương nắm được triều đình nước Vệ, lại biết khuấy cho tình hình nước Vệ rối tung lên, rồi Tiên lễ hậu binh vừa đánh vừa xoa. Bệ hạ lại làm như Vệ-Tề đang thân thiết, núi liền núi sông liền sông, môi hở răng lạnh, lúc nào cũng an ủi vỗ về, rồi chờ cơ hội Ban trư ngật hổ, Ám độ trần thương thì lo gì đại sự lại không thành!
Tề Bá Vương thấy vậy mỉm cười. Tuy đã hết băn khoăn nhưng vẫn chưa yên lòng, nên lại bóp trán suy nghĩ, hồi lâu mới nói:
-Dân nước Vệ ngoan cố kiên cường, ngươi biết chứ?
Bảo thấy vậy, liền đáp:
-Muôn tâu! Dân nước Vệ đúng là ngoan cố kiên cường. Nhưng nay nước Vệ khốn khó như người dưới giếng, ta lại ném đá vào thì sao có thể ngoi lên. Mấy năm nay nước Tề ta liên tục cho mua móng trâu móng bò, mua ếch, rắn, mèo nên thất bát mất mùa, dân tình đói kém. Dân chúng lại tinh thần bạc nhược vì suốt ngày mải xem phim ảnh của nước Tề ta. Đám bô lão sĩ phu cũng đã mệt mỏi với chuyện khai mỏ cao nguyên. Còn ta thì Dĩ dật đãi lao, lo gì thưa bệ hạ!
-Vậy ngươi tính cụ thể thế nào?
Tề Bá Vương cười vui ra mặt. Bảo thấy vậy liền dõng dạc tâu tiếp:
-Trước mắt bệ hạ xúi triều đình nước Vệ vay tiền nước Tề ta, tiếp tục khai mỏ cao nguyên để ôm cái nợ vào thân. Sau lại cho mấy chiến thuyền ra Đông Hải, cớ rằng hóng mát dạo chơi, trông nom hải đảo giúp người nước Vệ, nhưng thực chất là để Thuận tay dắt dê. Chờ khi người nước Vệ sơ ý thì chiếm luôn Đông Hải. Đám sĩ phu nước Vệ thấy chiến thuyền của ta lượn lờ ở đó thì nhất định lại hét toáng lên. Ta nhân cơ hội đó mà xúi triều đình nước Vệ vay tiền của ta mua sắm tàu thuyền để trấn an dân chúng. Khi triều đình nước Vệ đã thành con nợ của ta rồi, thì nói gì họ chẳng phải nghe.
-Tiếp đến lại chơi trò Ném ngói đòi ngọc, thả con săn sắt mà bắt cá rồng. Mấy năm vừa rồi, nhờ tài nhìn xa trông rộng, bệ hạ đã cho tích trữ bạc vàng chất đầy ngân khố. Nay đã đến lúc cần dùng, bệ hạ hãy cho xuất thêm năm trăm cân vàng nữa để bôi trơn triều đình Vệ quốc. Lại ném ra một ít cho đám quan lại, mõ làng và mấy tay ngụy sĩ phu tham danh hám của. Đám này sẽ phụ họa rao toáng lên rằng nước Tề ta vô cùng thân thiện, đề phòng người Tề chỉ là chuyện con trẻ thừa cơm.
-Riêng triều đình nước Vệ, bệ hạ đã bôi trơn đến đầu đến đũa, lại ban cho mười sáu chữ vàng để bịt mắt dân chúng. Thì nay tiếc gì chẳng cho thêm mười sáu chữ nữa, mà nếu cần thì mười sáu vạn chữ cũng chẳng sao, miễn là thu phục được người nước Vệ.
-Diệu kế! Quả là diệu kế!
Đào Vương phấn khích tột độ, bật hẳn dậy, ngửa mặt cười ha hả, rồi vỗ đánh chát vào cạnh ngai vàng, quát lớn:
-Bay đâu! Y kế thi hành!
Quần thần nước Tề dạ ran rồi lui ra cắt cử việc điều chiến thuyền ra Đông Hải, tìm người viết chữ, xuất tiền xuất vàng mang sang nước Vệ.

Đại Vệ văn minh chí dị (3)



Giáp Văn
Lại kể, sau khi nhận biểu nhà mõ đưa lên, Vệ Vương cùng Tể tướng mất ăn mất ngủ. Làm Vương làm Tướng, chữ tín phải đội lên đầu. Đã nhận lời với người Tề, lại ký kết hiệp ước liên minh tương hỗ, thì làm sao thoái thác được đây. Ngộ nhỡ sau này có biến, thì ai trông ai giúp.
Có kẻ đa mưu túc trí, tên gọi Tôn Dưa, mới hiến kế rằng:
-Để xảy ra cơ sự này, tội đầu là tội cái thư của tay võ tướng. Sau đấy là bọn mõ làng tiếp tay phổ biến lung tung. Nay thu hồi cấm tiệt, bịt mồm bịt miệng, thì triều đình làm gì nghĩ, dân tình ai biết đấy là đâu.
Triều đình nước Vệ cho rằng chí lý, nên soạn chiếu ban ra: “Từ nay trở đi, những gì là chưởng tru lớn của đình triều, thì cấm bàn cấm đưa tin cấm trình lên Vụ quốc. Quần thần nước Vệ toàn những tay anh kiệt trị giá triệu đô, sẽ lo hết tính hết lên kế hoạch hết, dân chúng không phải nhọc lòng. Ai vi phạm sẽ xử theo luật đình triều nước Vệ”.
Dân Vệ thấy vậy sợ xanh mắt. Những tay có chút máu mặt thì thậm thụt bàn tán với nhau. Bàn rằng:
-Khai mỏ lần này là cầm chắc cái lỗ trong tay. Nhớ lại mươi năm về trước, phủ phủ vay tiền mua lò kéo mật của nước Tề, chưa được nửa năm thì vứt không bỏ đấy, mới thấy dân lỗ thì mặc kệ dân, chứ nhà quan đâu cần biết tới...
Có kẻ thạo tin lại nói thêm vào:
-Luật bất thành văn, mỗi khi mua sắm bằng tiền công khố, mười phần trăm bỏ túi nhà quan. Nên dân lỗ thì có thể, chứ nhà quan có lỗ bao giờ. Cùng lắm, lại bắt dân đóng thuế...
Có kẻ suy nghĩ sâu xa hơn chuyện đồng tiền nén bạc, than rằng:
-Nay nước Tề mang người mang của sang đây, lại lưu trú tại vùng hiểm yếu. Người Vệ ta duy cảm duy tình, thật thà như đếm, ngộ nhỡ có biến, thì làm sao đấu được với người Tề mưu mô xảo quyệt, nghìn năm phá quách đánh thành...
Có kẻ đi xa mở mang hiểu biết, cũng góp chuyện bàn thêm:
-Xưa nay người Tề đi đến đâu là văn hóa Tề đi theo đến đó. Sở dĩ cái nước Ít-xờ-ren nghìn năm phiêu bạt mà không bị diệt là nhờ giữ được văn hóa. Nay triều đình tiếp tay cho Tề quốc tàn sát văn minh thì nước Vệ ta sắp nguy rồi...
Kẻ thông thạo sử sách cũng thầm thì góp chuyện:
-Nước Tề ngày càng phình to, nay người Tề lại nói rằng bản đồ nước Tề hình con gà trống, mà nước Vệ ta là cái chân của nó...
Rồi lại có kẻ trầm ngâm, ra chiều hồi tưởng chuyện xưa:
-Nhớ ngày nào Đào Vương sang Vệ quốc, tiếng là sang chơi mà thực chất vi hành. Nhà cao cửa rộng không ở, nước nóng khách sạn không tắm, giữa hôm trời lạnh, lại giở trò xuống Đông Hải tắm chơi. Xem thế đủ biết, ý tứ rằng đây ao ta thì ta tắm...
Lại có kẻ thông thuộc sử sách bên Tây thuận miệng đế thêm:
-Bóc đất khai mỏ chẳng qua là kế ngựa gỗ thành Troy. Việc này đến trẻ con cũng biết. Triều đình Vệ quốc toàn tay anh kiệt trị giá triệu đô, sao lại không nhìn ra cơ chứ...
Cũng có kẻ giật mình nghĩ đến chuyện Trọng Thủy Mị Châu, mất nước hại thân chẳng qua cũng vì tin người Tề quốc...
Trong nhà ngoài ngõ, nam phụ lão ấu, lại đứng ngồi không yên, bàn tán xôn xao.
Nói chung, từ ngày có công chiếu ban ra, nước Vệ nhân tâm phân tán, nhân tình thảng thốt. Chuyện nước Vệ còn hay mất, chuyện bóc đất khai mỏ hậu quả ra sao, nguy hại thế nào... phải nói là rối như canh hẹ.
Các vị bô lão cùng các sĩ phu nước Vệ lại đồng tâm soạn biểu dâng lên lần nữa. Nhưng trước sau như một, triều đình nước Vệ vẫn chỉ một câu như đinh đóng cột: Khai mỏ nguyên cao là chưởng tru lớn của đình triều. Bán cầm!
Đến lần dâng biểu thứ ba, triều đình hết kiên nhẫn, nên mới tính kế mạnh tay. Kẻ đa mưu túc kế hôm trước lại được dịp tâu rằng:
-Trên đời có những cái sợ mà ai ai cũng sợ. Đám bô lão sĩ phu này xem ra chưa biết sợ là gì. Nên trước hết phải làm cho họ sợ!
Rồi sau lại có kẻ tâu thêm:
-Bách tính bàn tán xôn xao là do xưa nay ta giấu. Nay cần làm cho họ rõ. Còn rõ thế nào, thần đã có chủ trương.
Quần thần bàn tính hồi lâu, cuối cùng cũng tìm ra bài đối phó:
Đầu tiên là cho tay họ Chí tên Phèo ra chửi đổng vài câu. Nói rằng các bô lão chẳng qua chỉ là phường trẻ con bịa đặt dễ kích động. Còn chí sĩ trong ngoài nước Vệ cũng chỉ là đám hóng hớt nói leo thiếu cơ sở. Bọn đi theo cũng chỉ là phường vô trách nhiệm tát nước theo mưa. Sau đấy lại cho bộ Công ra họp báo giải trình, đại ý nói rằng những điều tay Chí kia nói đều hoàn toàn chính xác. Không tin thì xem đây. Nói rồi chìa thông cáo.
Thông cáo đưa ra, dân chúng mắt tròn mắt dẹt. Người có chút học thức thì ôm mặt khóc hu hu. Thông cáo triều đình gì mà sai chính tả tùm lum be bét. Đầu tóc phơ phơ, các bô lão lại nhìn nhau rưng rức. Nước Vệ ta phen này nguy thật rồi!
Về phần triều đình nước Vệ, vẫn nhất nhất kế hoạch cho người Tề khai mỏ rửa quặng. Làm Vương làm Tướng, chữ tín phải đội lên đầu, làm sao sai được.

(còn nữa)

Đại Vệ văn minh chí dị (2)


Giáp Văn
Lại nói, triều đình nước Vệ nghe tin Tề Bá Vương mang người mang của sang giúp việc bóc đất khai mỏ thì mừng lắm, liền mở cuộc họp báo rao tướng lên rằng phen này nước Vệ sắp giàu rồi! Vệ ta sắp có thêm khoản tiền to để bỏ vào ngân khố rồi!
Có vị võ tướng, vốn là khai quốc công thần, tuổi tuy đã gần trăm nhưng mắt vẫn tinh anh, nhìn rõ dã tâm của Tề Bá Vương, nhưng sợ lòng dân vọng động, nên hai lần bí mật dâng biểu can ngăn. Triều đình tuy có tiếp biểu, nhưng giấu biệt tăm không cho dân chúng biết. May có kẻ nhanh tay nhanh mắt, lại có lòng với nước với dân, nửa đêm lẻn vào phủ Tể tướng chép lại, mang ra phát tán tứ phương. Dân nước Vệ nhờ thế đọc được, mới biết cái họa diệt vong đã ở sát sau lưng. Trong nhà ngoài ngõ, nam phụ lão ấu, ai ai cũng lo lắng mất ăn mất ngủ. Mấy tay mõ làng cũng không đứng ngoài cuộc, ngày đêm rao giảng chuyện nước Tề sắp mang quân sang khai mỏ nước Vệ. Chưa bao giờ tình hình Vệ quốc lại căng thẳng trầm trọng đến như vậy.

Thế nên, các vị bô lão cùng các sĩ phu nước Vệ mới tính chuyện tổ chức hội nghị Diên Hồng, phân tích thiệt hơn để soạn biểu can gián triều đình. Có vị tuổi già sức yếu, cũng không ngại đường xa, cưỡi lừa bất kể ngày đêm đi hơn trăm dặm có mặt đúng giờ. Có vị sức tàn lực kiệt, cũng ngồi lên võng bảo con cháu khiêng đi. Các bậc danh sĩ khoa bảng, vốn người nước Vệ nhưng đang sinh sống làm ăn thuyết giảng ở các nước Mẩy, Ngố, Nhất, Phù, Đủ, Tấn, Tất, Tần, Tật... cũng thu xếp trở về. Nội trong dăm chục năm trở lại đây, chưa có khi nào người nước Vệ lại cần kíp và đồng lòng như vậy.
Những tay trẻ tuổi không được tham dự hội nghị, thì xin ký tên điểm chỉ tỏ lòng hưởng ứng. Để thêm bằng cớ, có kẻ còn vào tận xứ cao nguyên ghi ảnh chụp hình. Kẻ có chút học thức, lại thạo nghề khai mỏ, thì ngồi tính toán chi li xem việc bóc đất rửa quặng lời lỗ bao nhiêu thiệt hại thế nào. Tất cả mới ngã bổ chửng ra rằng, nếu không tàn phá thiên nhiên cây cỏ, đầu độc sông suối thì phần lỗ là cầm chắc trong tay. Nên hội nghị lại càng đồng tâm nhất trí. Nhất hô vạn ứng, nội trong ba ngày, có đến mấy nghìn người xin tham gia soạn biểu ký tên can gián triều đình. Danh sách quá dài, giấy không đủ viết, các bô lão mới đành lựa lấy hơn trăm người, phần nhiều là các vị chức cao vọng trọng, cùng các sĩ phu khoa bảng đã thành danh, định ngày lành giờ tốt, đồng tâm soạn biểu dâng lên triều đình nước Vệ.
Rồi ngày ấy giờ ấy, tất cả xa gần họp mặt, tắm nước thơm, đốt trầm hương soạn biểu. Kể rõ sự tình, nói rõ cái nguy trước mắt, cái khốn lâu dài, lại thêm mười điều thua lẽ thiệt:
Việc không cần thiết, chớ nhọc sức dân
Không giúp việc làm, không thêm ngân khố
Đường xa cách trở, vận chuyển làm sao
Thiếu nuớc trên cao, thiếu điện chạy máy
Hại cỏ hại cây, hại người hại vật
Hiểm yếu chiến lược, không thể bỏ qua
Rước hổ về nhà, ngoại bang xâm nhập
Văn minh suy kiệt, Vệ tộc diệt vong
Một lần sẩy chân, muôn đời nô lệ...
Biểu soạn xong, sao thành ba bản, lại thành kính thắp hương khấn Quốc tổ Quốc mẫu, cầu Người phù hộ độ trì cho con dân nước Vệ qua cơn nguy khốn, rồi nhằm phòng Vụ quốc, phủ Tể tướng và điện Vệ Vương thẳng tiến.
Bô lão đi trước, chí sĩ đi sau, xếp thành hai hàng, áo the khăn đóng... Chưa bao giờ việc dâng biểu lại diễn ra long trọng như vậy.
Đến phòng Vụ quốc, biểu được dâng lên, đón tiếp trọng thị. Bô lão nghẹn lời, chí sĩ rơi nước mắt. Nhờ hồng phúc tổ tiên, nước Vệ ta sắp được cứu rồi!
Trời cao đất thấp, gió mát hiu hiu, lòng người hớn hở, cả đoàn lại chỉnh đốn hàng ngũ, sửa sang y phục, tiến sang phủ Tể tướng và điện Vệ Vương. Thì hỡi ôi, phủ và điện xưa nay không có thói quen nhận biểu tận tay. Muốn gửi gì trình gì, phải qua nhà mõ.
Ừ thì nhà mõ! Vận nước làm trọng, khó nhọc lúc này kể đến làm chi. Nhà mõ cạnh đây, nói khó một tí thì mõ chuyển...
Trong nhà ngoài ngõ, nam phụ lão ấu lại khấp khởi mừng thầm. Biểu đã dâng lên, thấu tình đạt lý, lẽ nào triều đình không xem xét.
Rồi cũng đến ngày đến tháng, thỏa niềm mong mỏi muôn dân, công chiếu ban ra, ngắn gọn súc tích: Khai mỏ nguyên cao là chưởng tru lớn của đình triều. Bán cầm!
Dân chúng chết đứng. Chí sĩ chết ngồi. Các vị bô lão nước mắt hai hàng, xót không thể tả.
(còn nữa)

Đại Vệ văn minh chí dị (1)

Đại Vệ văn minh chí dị (1)



(Lấy cảm hứng từ Đại Vệ chí dị của Người Buôn Gió)
Giáp Văn
Lại nói, sau khi tể tướng nước Vệ đi rồi, Đào Vương là vua nước Tề mới quay sang nói với cận thần:
-Nước Vệ tuy nhỏ nhưng ngoan cố kiên cường. Tiên đế đã bao phen mang quân chinh phạt, mấy nghìn năm rồi mà việc vẫn chưa xong. Xét theo sử sách, thì nước này Bắc giáp Động Đình, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Nam Hải. Trải qua mấy nghìn năm, nước Tề ta đã thu phục gần hết, chỉ còn lại phần nhỏ ở phía Nam. Nhưng cứ vài trăm năm, lại có kẻ dấy binh nổi loạn đòi cố quốc. Trước có chị em nhà Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh lên Tượng Quận. Sau lại có bọn Tây Sơn đòi lưỡng Quảng, đòi cả công chúa. Sở dĩ như vậy là do văn minh nước Vệ độc đáo, hun đúc kết tinh truyền từ đời này sang đời khác.

Tể tướng nước Tề là Bảo, thấy vậy mới thưa rằng:
-Ngay đến cả quốc bảo của chúng ta như Kinh Dịch, Lạc Thư Hà Đồ, cũng có kẻ xấu miệng nói rằng xuất xứ là từ nước Vệ. Xem thế đủ biết, văn minh nước ấy thâm sâu khôn lường.
Đào Vương thấy vậy liền nói tiếp:
-Dân xứ ấy, bất kể đàn ông hay đàn bà, cũng anh dũng khác thường. Nhớ lại năm xưa, Thị Trinh nổi loạn, Lục tiên sinh mang quân đánh dẹp sáu tháng không xong, sau phải sai quân sĩ tụt quần diễu võ. Trinh thấy thế xấu hổ rút lui nên Lục tiên sinh mới có cơ bình phạt. Cho nên, muốn thu phục, vạn bất đắc dĩ mới phải dụng binh.
Cả hai trầm ngâm suy tính, bất giác Đào Vương nói:
-Xưa tiên đế bình phạt nước Vệ, tuy chỉ cai trị chưa đến hai chục năm, nhưng đã kịp đốt sách diệt sĩ. Cái gì quí báu cũng kịp chở về nhà. Nhờ thế mà dân Vệ lung lay như cây mất gốc suốt mấy trăm năm. Nếu không, nước Tề ta khó mà được như bây giờ, ta với các ngươi có khi cũng không có mặt. Nay ta học theo người xưa, tàn sát văn hóa, thì nước Vệ tự nhiên suy yếu. Nguyện ước của tiên đế nhờ thế mà có cơ thực hiện.
Bảo tể tướng thấy thế liền hùa theo:
-Đại Vương nói chí lý. Mấy chục năm nay ta đã cho không phim ảnh, nên dân Vệ suốt ngày xem phim dã sử nước Tề, đến mức thuộc sử Tề hơn cả sử Vệ. Chưa kể, dân xứ ấy sau mấy chục năm loạn lạc đói khổ, giờ chỉ chăm chắm lo cái trước mắt mà không nghĩ đến chuyện lâu dài. Kể như mỗi khi ta mua móng trâu móng bò, mua ếch, rắn, mèo thì vài vụ sau nhất định mất mùa đói kém. Nên kế của Đại vương, nếu bỏ chút công của, lại nhằm vào lòng tham sân si của quan lại và dân chúng thì dễ thực hiện lắm.
-Vậy ngươi định tính sao? Đào Vương hỏi. Bảo liền nói tiếp:
-Nước Vệ có cái mỏ nhôm lớn, nằm ở cao nguyên, là nơi hiểm yếu chiến lược. Nay vì túng quẫn, triều đình nước Vệ đã nhờ Đại Vương giúp sức đào lên chia phần để bán. Vậy Đại Vương mượn cớ giúp đỡ, cử hai vạn quân xuất thân từ vùng nghèo khó, giả làm phu đào mỏ đi sang. Lại dẫn thêm vài nghìn người phục dịch, mang theo nhiều quần áo, băng đĩa karaoke, phim ảnh và năm trăm cân vàng. Nội trong ba năm, có thể xong đại sự.
Ngươi nói rõ hơn xem! Đào Vương gắt.
-Muôn tâu! Trải qua nghìn năm cai trị mà xứ ấy vẫn không bị Tề hóa, chung qui cũng chỉ tại cái lũy tre làng. Cái lũy tre ấy ngăn cách sinh hoạt của dân chúng với triều đình, nên văn hóa xứ Vệ mới tồn tại dai dẳng như vậy. Thì nay cái xứ cao nguyên kia cũng thế, ở vùng hẻo lánh cách biệt, dân chúng nam đóng khố, nữ mặc váy thêu, hát sử thi Đăm Săn, gõ cồng múa chiêng, rất đặc biệt. Mỗi khi có dạ hội liên hoan to nhỏ, lại mang những thứ ấy ra nhảy múa trình diễn...
-Ngươi dài dòng quá. Nói gọn ta nghe! Đào Vương sốt ruột gắt lớn.
-Thưa vâng! Nay ta mang nhiều quần áo sang phát không cho dân chúng, thì họ không đóng khố mặc váy nữa. Lại mang băng đĩa karaoke phim ảnh cho không, thì họ không hát sử thi nữa. Lại lấy năm trăm cân vàng, đúc thành cồng chiêng, rồi cho đổi một cồng chiêng đồng lấy một cồng chiêng vàng thì nhất định dân chúng sẽ mừng húm. Nhưng cồng vàng gõ không kêu, chiêng vàng đánh không ra tiếng, thì cái trò múa cồng múa chiêng tự nhiên chấm dứt. Dân chúng tham vàng, sẽ tự đánh giết lẫn nhau, văn minh vùng ấy tự nhiên bị diệt.
-Hay! Đào Vương vỗ đùi đánh đét một cái, rồi hỏi:
-Còn gì nữa không?
Bảo thấy vậy, vui mừng ra mặt, tâu tiếp:
-Hai vạn quân sĩ sẽ cho kết hôn với người bản địa. Bọn này ở nhà không lấy được vợ, có cơ làm loạn. Nay cho sang bên ấy tiện cả đôi đường. Còn bọn phục dịch sẽ cho mở nhà hàng ăn uống giải trí, bán các món ăn Tề, hát các bài hát Tề. Sau ba năm, sẽ có hai vạn Tề con, lại có thêm một cái Tề-thao ở đó. Vậy coi như có một nước Tề nhỏ trong lòng nước Vệ. Lúc ấy, đại sự hà cớ gì lại không thành!
-Còn gì nữa không? Nếu không, tiến hành ngay lập tức! Đào Vương phấn khích đến độ không giữ được bình tĩnh. Thấy vậy, Bảo càng vui hơn, dõng dạc tâu tiếp:
-Muôn tâu! Khi khai mỏ rửa quặng, ta bí mật đổ thêm chút thuốc độc. Thuốc này theo đường sông suối mà chảy về xuôi. Nước sông nước giếng, tôm cua cá, lúa gạo cấy trồng, trâu bò lợn gà, kể cả người dân uống nước, đều sẽ bị nhiễm độc. Lúc ấy dân chúng sức khỏe suy yếu, tinh thần bạc nhược, lại suốt ngày xem phim Tề, mặc quần áo Tề, ăn món ăn Tề, vui chơi hú hí ở Tề-thao, thì sức đâu mà kháng cự. Muôn tâu bệ hạ! Cái này là bất chiến tự nhiên thành. Hoặc giả, một trận gió to là bay sạch...
-Diệu kế! Quả là diệu kế! Phen này ta một tên trúng năm sáu đích. Ước nguyện của tiên đế có cơ thành hiện thực!
Đào Vương phấn khích cùng cực, ngồi nhổm hẳn lên ngai vàng, mắt sáng rực, quát lớn:
-Bay đâu! Y kế thi hành!
Quần thần dạ ran rồi lui ra, bàn bạc cắt cử việc mang người mang của đi sang nước Vệ.
Liverpool, 30/4/09.


(Còn nữa)