Sunday, March 1, 2009

Một tâm hồn cao thượng, Quỳnh Chi



Anh Araishi (dấu X) trong một lần dẫn các em nhỏ ở An Khánh (Q.2) và các bạn khuyết tật ở mái ấm Thiên Ân đi chơi, đồng thời cũng tìm hiểu về môi trường tại Mỹ Tho vào năm 2003 - Ảnh: H.H.Tuệ
Anh Araishi vào những ngày cuối dời

       Thứ sáu cuối tuần Tokyo bỗng trở lạnh với mưa tuyết lất phất rơi.  Từng bông tuyết nhẹ  mong manh chưa chạm đất đã tan giữa không trung, trông như cánh bướm trắng từ  thiên cung bay lạc xuống trần. Những bông hoa tuyết mỏng manh yếu ớt,  chưa kịp đậu trên vai người hay trên những cánh hoa đã  vội tan biến, như một giấc mộng chợt thoảng qua.

       Thế nhưng sang thứ bẩy trời nắng ấm dịu dàng, như báo hiệu mùa xuân sang. Dọc đường hoa mai trắng thanh khiết, mai hồng thanh nhã nở trên các triền đồi, khiến khung trời ủ dột hôm qua trong nắng ấm hôm nay càng tươi sáng hơn. Trần gian tươi đẹp như đang mỉm cười rạng rỡ, hiền hậu.

       Tôi đi trong làn nắng ấm  ấy đến hội trường nơi tổ chức lễ từ biệt với người bạn vừa ra đi. Nhìn nụ cười quen thuộc trên di ảnh của anh, bỗng chợt  nghĩ phải chăng trời hôm nay tươi đẹp chính vì anh đang gửi  lại nụ cười ấy cho bè bạn.
Phó chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Đăng Thạnh trao danh hiệu Công dân danh dự cho ông Araishi - (ảnh này đăng trên báo Tuổi Trẻ xuân Kỷ Sửu)

        Bạn bè của anh đến thật đông, có khoảng gần một nửa không đủ ghế ngồi, đứng phía sau, và tràn ra phòng lễ tân, nơi có dựng những tấm bảng lớn trưng bày hình ảnh của anh từ nhỏ, cuộc đời sinh viên, những hoạt động với  bè bạn Việt Nam từ  cuối thập niên 60 ở Nhật, rồi ở Việt Nam và Myanmar cho đến hiện nay. Những bức ảnh ấy như  minh họa lại một vài  kỷ niệm  từng quãng đời của anh, đã được nhắc lại trong các bài điếu văn, từ  của người bạn học từ lúc còn học tiểu học, bạn đồng song ở đại học, người kohai( hậu bối) đã từng theo anh trong mọi hoạt động như tới chận xe tăng ở căn cứ Atsugi(Yokohama) lên tàu đi Việt Nam, cho tới  những người  bạn và cả những người trẻ cùng chí hướng trong các hoạt động hiện nay của anh. Tất cả đều phác họa cho thấy một tâm hồn thật trong sáng với lý tưởng cao đẹp, một tấm lòng nhân hậu vị tha, hiền hòa mà cương nghị, như  nụ cười thật dịu dàng đôn hậu luôn nở trên khuôn mặt vuông chữ điền, khiến cho dáng dấp võ biền cao lớn như  một dũng tướng được rèn luyện bởi môn võ nhu đạo của anh lại chẳng có vẻ gì áp đảo người đối diện.

        Thông minh lỗi lạc ngay từ thuở thiếu thời,  cậu bé con có khuôn mặt hình chữ nhật ấy luôn tươi cười với mọi người- đã được bè bạn đặt cho biệt hiệu Kaba (Hà bá)- vừa thích tập võ nhu đạo vừa thích chơi đàn phong cầm, đã từng rủ bè bạn dùng phụ tùng trong cửa hiệu của bố mẹ các cậu để lắp thành chiếc xe ô tô chạy quanh sân trường, được đài truyền hình địa phương tới quay phim giới thiệu. Lên bậc trung học, cậu  là học sinh đại diện tỉnh Shimane  đi dự thi Speaking English Contest toàn quốc. Thi đỗ vào trường đại học Tokyo, đỉnh kim tự tháp của các trường đại học ở Nhật bản, chàng thanh niên ấy cũng đã từng hòa mình vào làn sóng phản kháng của toàn thể sinh viên Nhật bản vào cuối thập niên 60.  Học tới ban cao học, tốt nghiệp ra trường vào làm  tập đoàn điện toán lớn(IBM Japan), một con đường công danh đầy hứa hẹn mà bao nhiêu thanh niên Nhật Bản đồng thời của anh đều mơ ước. Thế nhưng  anh đã từ bỏ con đường danh vọng ấy để theo đuổi lý tưởng của mình.    

        Anh lớn lên trong thời đại mà có lẽ cả thế giới hàng ngày đều nghe tin về tình hình chiến sự ở Việt Nam, giống như chúng ta ngày nay nghe tin về tình hình ở Iraq hay Afghanistan. Người bạn thời niên thiếu cho biết từ khi còn đang học trung học anh đã  chú ý đến những tin này, và đã thường đem ra bàn luận với bè bạn. Lên đại học anh đã  làm bạn với các du học sinh Việt Nam nói riêng và các nước Á châu nói chung, cùng hoạt động và giúp đỡ họ về mọi mặt. Thế  rồi chiến tranh kết thúc, đến thời bình,  anh tiếp tục những hoạt động ngay trên quê hương của bạn, giúp cải thiện môi trường và cuộc sống của những người dân nghèo trên đất nước bạn. Anh giúp người, không phải từ tư thế ban phát, mà là bình đẳng, với tình người không biên giới.   
 
        Thế hệ của chúng ta không biết đã có được bao nhiêu người đã sống một cuộc đời tương đối ngắn ngủi ở thời đại này - chỉ mới 63 năm - mà trọn vẹn đến như thế? Anh luôn theo đuổi lý tưởng của mình dù trong hoàn cảnh điều kiện nào, yêu người yêu đời, hy sinh tận tụy, không hề ngã lòng trước nghịch cảnh.  Cho đến những ngày cuối cùng  đầu năm nay, trên giường bệnh anh vẫn còn say sưa nói chuyện với bè bạn hàng giờ đồng hồ, vẫn ngồi viết, vẫn suy nghĩ về những dự định sắp tới. Có người tới thăm anh vào những ngày cuối mà lầm tưởng là anh sắp bình phục.      

        Có người thay mặt bè bạn Việt Nam đã nói rằng anh không chỉ là công dân danh dự của các thành phố ( thành phố HCM và Huế) đã trao tặng danh hiệu đó cho anh, mà anh xứng đáng là một công dân danh dự của cả đất nước chúng tôi.

       Có người nói rằng anh là một vị thánh ở thời đại chúng ta.
       Vâng, chúng tôi những người cùng thời từng biết anh, ai cũng mến yêu, khâm phục và ngưỡng mộ anh. Nếu có ai viết tiếp cuốn sách Tâm hồn cao thượng (sách gối đầu giường của nhiều người ở thế hệ chúng tôi), chắc chắn sẽ là thiếu sót nếu không kể chuyện về anh, một người Nhật tên Araishi Masahiro.
   
(Quỳnh Chi, Tokyo-28/2/2009)

No comments:

Post a Comment