Chủ nhật, 10 Tháng chín 2006, 07:01 GMT+7
"Ngô Thanh Vân về nước là đã nổi liền, mà tôi hoạt động từ năm 1997, đến 1999 vẫn lẹt đẹt. Tôi đặt câu hỏi: Mình thua Vân cái gì, và tự trả lời: Mình thua cô ấy về giao tiếp. Từ đó tôi thay đổi dần, gắng nói chuyện với nhiều người hơn, tập cười nhiều hơn", Marilyn Monroe VN tâm sự về một giai đoạn trong sự nghiệp. - Với chị, thời điểm này sàn diễn thời trang có vai trò như thế nào? - Nó là nơi để tôi quay về sau những lúc làm việc căng thẳng, để hóa giải sự khô cứng của cuộc sống văn phòng. Bước lên sàn diễn và đi chụp hình là những giây phút tôi tự tặng cho mình chứ không còn là nơi đầu tư toàn bộ thời gian và tâm huyết. Tôi vẫn chụp hình thời trang, nhưng chắc chắn sẽ chấm dứt biểu diễn. Thời gian này là giai đoạn giao thời, chứ tôi không bỏ hẳn trong ngày một ngày hai được. - Cuộc chia tay xuất phát từ sự cô đơn giữa thế hệ người mẫu trẻ hay tình yêu nghề đang tỷ lệ nghịch với tuổi tác của chị? - Chính vì yêu nghề nên tôi phải nghĩ cho nó, chứ không phải chứng tỏ bằng cách xuất hiện ào ào. Vì thời trang là mới, nó cần sức bật, sự sáng tạo mà với tôi, những cái đó mỗi năm lại giảm đi. Sự máu lửa trên sân khấu của tôi cũng không còn, vì đồng nghiệp không đồng lứa với mình, mà một đàn chị thì có nên máu lửa với đàn em không? Rồi tôi không có người nói chuyện, chia sẻ, cảm giác như không thể tìm được sự đồng điệu. Bản thân tôi lại không muốn làm xấu hình ảnh, thương hiệu của mình, và quan trọng là không muốn làm tụt hậu nghề thời trang nên tại sao không nhường cơ hội đó cho những gương mặt trẻ? Hơn nữa, nghề thời trang ở Việt Nam mà có 9 năm gắn bó như tôi là quá đủ. Đồng nghiệp cùng thời đã có công việc riêng của họ. Xuân Lan làm giám đốc một công ty thời trang. Ngô Thanh Vân, Hồ Ngọc Hà thì theo nghề ca sĩ, không lẽ mình cứ giậm chân tại chỗ. Con người ta mỗi ngày một tiến lên, chứ không phải chinh phục một cái đỉnh rồi đi vòng vòng. Muốn chinh phục cái đỉnh khác thì phải chấp nhận một khoảng thời gian đi xuống. - Nhưng nhiều người không nghĩ chị muốn dừng mà nghĩ chị hết thời. Chị nói sao? - Tôi không sợ ý nghĩ đó, vì bản thân tôi biết mình có gì, những người làm việc với tôi biết tôi như thế nào là đủ. Không lẽ vì dư luận mà phải làm những việc không phù hợp với mình? Tôi chọn phương án chia tay với thời trang một cách nhẹ nhàng, đó là sự xuất hiện thưa dần chứ không xốc nổi, tuyên bố ầm ĩ để rồi một ngày nào đó quay lại.
- Vậy chị nghĩ sao về dư luận: Ngọc Thúy ảo tưởng về hào quang của mình, luôn nghĩ mình ở đỉnh cao và đòi cát-xê cao nhất, trong khi đã có nhiều đối thủ trẻ hơn, chân dài hơn, dáng đẹp hơn, và hậu quả là bị... rớt đài? - Tôi đã nghe nhiều lời bàn tán kiểu này, nên bây giờ có nghe thêm thì cũng không còn xúc động nữa mà chỉ có thể mỉm cười. Thế hệ người mẫu bây giờ trẻ hơn, đẹp hơn, cao hơn, giỏi hơn mình thì càng làm tôi thích thú, vì ít ra tôi nhìn thấy sự phát triển lâu dài của nghề thời trang. Chứ đàn em xấu hơn, lùn hơn, dở hơn mình, có thể lúc đầu mình hơi thích vì chưa có đối thủ, nhưng sau đó sẽ buồn khi không có sự tiếp nối. Cũng chính điều đó mà tôi càng phải chứng tỏ đẳng cấp của một đàn chị đối với những người em. Mình phải làm sao để truyền được kinh nghiệm và lửa nghề cho đàn em, và tôi đã làm được điều đó. Bằng chứng là rất nhiều người mẫu như Ngọc Uyên, Vũ Thu Phương, Thanh Hoài... nói về tôi với tư cách người từng giúp đỡ và truyền kinh nghiệm cho họ. Chỉ là những lời ngắn ngủi trên báo, nhưng điều đó khiến tôi rất hạnh phúc. Còn bản thân tôi, không thể đối phó được sự suy luận của mọi người, và càng không thể chống chọi với sự gièm pha. - Nhưng việc chị đòi cát-xê cao thì không phải là sự suy luận. Chị giải thích thế nào? - Cát-xê cao là một trong những thủ thuật của sự từ chối khi phải đối diện với những lời mời mà tôi không thể nói được lý do cụ thể. Chứ bây giờ, nhiều khi tôi làm việc không vì cát-xê mà vì tình nghĩa hay ý nghĩa của chương trình. Có đi làm văn phòng mới biết quý ngày thứ bảy, chủ nhật như thế nào. Những ngày đó tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi. Nhưng nếu là một sô chụp ảnh thời trang của những người có quan hệ tốt đẹp lâu dài với mình thì tôi không thể từ chối. Hay vừa rồi tôi phải nghỉ một tuần để đi diễn ở Trung Quốc cho Sở Văn hóa thông tin TP HCM. Cát-xê chỉ đủ tiền ăn, nhưng tôi đã góp phần đưa hình ảnh về nước Việt Nam đến với khán giả Trung Quốc. Hay cuối tháng vừa rồi tôi lại nghỉ làm qua Mỹ chụp ảnh thời trang nhân dịp mở đường bay từ Việt Nam sang Mỹ. Tôi ấm ức và ganh tỵ với Ngô Thanh Vân - Chị nghĩ sao khi những suy luận đó bắt nguồn từ sự ganh tỵ về nhan sắc và vị trí của chị trong giới thời trang? - Đó là điều không tránh khỏi. Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Thấy cô này mặc áo đẹp, thế nào mình cũng đặt câu hỏi tại sao tôi không được mặc áo đẹp. Còn nhớ khi Ngô Thanh Vân về Việt Nam, mới về nước mà cô ấy đã nổi liền, mà tôi hoạt động từ năm 1997, đến năm 1999 vẫn lẹt đẹt. Khi Ngô Thanh Vân nổi lên, tôi rất buồn, nói thẳng ra là ganh tỵ. Tôi đặt câu hỏi: Cô ấy hơn mình những gì, tại sao 3 năm mình không được gì, còn cô ấy mới về đã được như vậy? Tôi cảm thấy ấm ức. Nhưng ganh tỵ đó chỉ đặt ở mức suy nghĩ, và tôi tìm cách ngang bằng với Ngô Thanh Vân chứ không nói xấu, hay làm việc gì đó sai trái. - Chị ganh tỵ Ngô Thanh Vân ở mặt nào? - Tôi ngồi suy nghĩ và đặt câu hỏi: Mình thua Ngô Thanh Vân cái gì, và tự trả lời: Mình thua cô ấy về giao tiếp. Tôi đi diễn xong là về, không nói chuyện với ai, và tôi đã thua một cô ở Tây về, nói chuyện rất dễ thương, gặp ai cũng cười, luôn làm cho người đối diện có cảm tình. Từ đó tôi thay đổi dần, gắng nói chuyện với nhiều người hơn, tập cười nhiều hơn. Tôi đã học ở Ngô Thanh Vân sự tươi tắn, nói chuyện có duyên, tạo cảm tình, tạo những mối quan hệ thân thiết. Trong công việc, tôi không biến mình thành Ngô Thanh Vân. Giai đoạn đó, Ngô Thanh Vân nổi lên với phong cách tươi trẻ, còn tôi vẫn giữ nguyên phong cách lạnh, ấn tượng. Tôi chỉ thay đổi cách giao tiếp để mình tốt hơn, có cơ hội giao tiếp nhiều hơn để phát triển nghề nghiệp. Đến giờ tôi vẫn thấy sự thay đổi đó là đúng và rất tốt cho mình. Đã đến lúc chăm lo cho cái đầu - Đồng nghiệp chia tay với thời trang nhưng vẫn hoạt động và nổi tiếng trong môi trường nghệ thuật. Còn chị, sao lại lựa chọn cuộc sống văn phòng? - 9 năm chăm lo cho ngoại hình, sự giao tiếp, đến bây giờ thì tôi nghĩ mình cần phải quan tâm và đào tạo cho cái đầu. Lúc này tôi làm PR - một nghề cần sự sáng tạo, mối quan hệ rộng và sự nhạy cảm về thông tin. - Nhưng chị lạnh lùng, ít nói thì sao làm được PR? - Tôi đã thay đổi từ khi nhận ra đối thủ là Ngô Thanh Vân. Giờ đây tôi biết cách tiếp cận, nói chuyện, tạo tình cảm với người khác. Tất nhiên gương mặt thì tôi không thể thay đổi được. PR chuyên nghiệp không có chuyện nói quá sự thật. Khi đi học, tôi biết được một vấn đề hết sức quan trọng đối với nghề PR, đó là xử lý khủng hoảng. Nguyên tắc khi khủng hoảng xảy ra là bạn phải thừa nhận nó, không được nói sai sự thật, sau đó sẽ tìm cách khắc phục. PR có thể tạo sức mạnh từ ngôn từ để gây ảnh hưởng đến công chúng nhưng phải trong giới hạn cho phép. Hiện nay, tôi làm MC trong các sự kiện của công ty ở chi nhánh phía Nam, và tôi cho đó cũng là một cách tập nói. - PR, MC đều là những công việc liên quan đến bề nổi, điều này dễ khiến người ta liên tưởng tới việc chị trở thành... bình hoa của FPT. Chị nói sao? - Chắc chắn FPT không có khái niệm mời người mẫu vào làm bình hoa, vì áp lực công việc cực kỳ kinh khủng. Giai đoạn đầu tôi thường xuyên bị stress, khi cùng một lúc phải giải quyết 5 đầu việc. FPT tuyển người là phải làm được việc, vì tất cả công việc liên kết với nhau, một toa tàu đi xuống là cả đoàn tàu trật bánh. Mà thương hiệu của tập đoàn FPT lớn thế nào thì mọi người hiểu rõ. FPT đang chuẩn bị toàn cầu hóa, nên càng không thể đem thương hiệu ra đùa. - Làm người mẫu nghĩa là được ăn ngon, mặc đẹp, tới lui những khách sạn sang trọng, giờ phải thay đổi bằng 8 tiếng ngồi trong công sở với sổ sách, máy tính, chị cảm thấy thế nào? - Từ một người thức khuya dậy trễ, lúc đầu phải thức dậy vào 7h và có mặt ở công ty lúc 8h, tôi không quen. Từ phong cách ăn mặc quyến rũ, thoải mái, bây giờ tôi phải mặc những bộ đồ mình không thích chút nào, mặt cũng không được trang điểm nhiều nên tôi mất tự tin hoàn toàn. Rõ ràng nó không phải là thế giới của mình, giống như cá đang sống dưới nước bị quăng lên bờ vậy. Nhưng cố gắng rồi cũng quen và bây giờ tôi thấy thích. Đặc biệt tôi được chơi với những đồng nghiệp rất hay, rất dễ chịu. Họ thẳng tính chứ không có kiểu bằng mặt không bằng lòng. Tôi có thể ngồi lê ở quán với họ, nói những chuyện rất dễ thương, mà sao tôi không làm được điều đó với những đồng nghiệp cũ của mình? Có thể cái nghề phức tạp quá buộc con người phải phức tạp theo, và có những cái khiến người ta không thể thật lòng, trải lòng với nhau.
Hạnh phúc không còn là diễn một đêm thời trang xuất sắc - Với tất cả sự mới mẻ và thú vị mà thế giới văn phòng mang lại, chị có dự định ở FPT lâu dài hay đó cũng chỉ là một trạm dừng chân? - Vào FPT không dễ dàng và không phải ai muốn cũng vào được. Môi trường làm việc ở đây có cạnh tranh, có sự ưu đãi, có cơ hội bộc lộ năng lực, điều này khiến người ta phải cầu tiến và khát khao được cống hiến nên tôi rất yêu quý vị trí của mình và muốn được gắn bó lâu dài. Nếu là đàn ông, chắc chắn tôi trả lời sẽ gắn bó với FPT, nhưng là phụ nữ, nhất là ở Việt Nam, tôi không thể quyết định được. Sau này có gia đình, tôi sẽ phải theo chồng, lúc đó hoàn cảnh mới là sự quyết định. - Tại sao chị thụ động như vậy trong khi phụ nữ hiện đại là những người độc lập cả trong suy nghĩ và cách sống? - Tại sao có người thích ăn món này, nhưng lại có người thích món kia? Tôi rất muốn yêu sự nghiệp, nhưng tôi cần hạnh phúc gia đình hơn. Tôi thấy tự hào khi nói "Tôi đang có một gia đình tuyệt vời" hơn là nói "Tôi là bà này bà kia ở công ty". Bởi với tôi, hạnh phúc gia đình rất quan trọng. Chưa bao giờ tôi muốn trở thành người phụ nữ không cần gia đình, không cần đàn ông. Một phụ nữ thành công rực rỡ trong công việc bắt buộc phải trả giá, phải nhìn ra vấn đề để buộc phải đặt nặng cái này và nhẹ cái kia. Phụ nữ thành công trên cả hai mặt phải là người cực kỳ may mắn. May mắn đã hiếm, cực kỳ may mắn còn hiếm hơn, và chắc tôi không nằm trong số đó. - Vậy bây giờ, nhu cầu lấy chồng của chị ở mức độ nào? - Trước đây xem đồ nội thất tôi không có cảm giác. Còn bây giờ tôi thích ngắm một ngôi nhà đẹp, thích cắm hoa. Chính tôi cũng giật mình hỏi sao mình lại có những sở thích mà trước đó không bao giờ quan tâm. Bởi tôi đang mong muốn về cuộc sống gia đình, muốn bình dị chứ không muốn nổi bật nữa. Đối với tôi, bây giờ đi làm về, ăn một món ăn thật ngon rồi leo lên giường ngủ là hạnh phúc, chứ hạnh phúc không còn là diễn một đêm thời trang xuất sắc. (Theo Đẹp)
| |||||
Chủ đề liên quan: Ngọc Thúy từng ganh tỵ với Ngô Thanh Vân
- Ngọc Thúy đã không còn "lơ ngơ"
- Ngọc Thúy đã tìm được một bờ vai để dựa
- Ngọc Thúy: "Để đàn ông khinh mới dại"
- Ngọc Thúy sống tình cảm nên dễ tổn thương
- Ngọc Thúy tự tin với công việc mới
- Ngọc Thúy không thích cầu thủ đẹp trai
- Ngọc Thúy đang cảm nhận rõ hai chữ "hạnh phúc"
- Ngọc Thúy từng ganh tỵ với Ngô Thanh Vân
- Ngọc Thúy theo chồng về Mỹ
- Xem tiếp các bài khác cùng chủ đề: Ngọc Thúy >>
No comments:
Post a Comment