Monday, August 30, 2010

50% số người chat "YM" là thuê bao Viettel?

ICTnews - Nhà mạng Viettel vừa tuyên bố có 48 triệu thuê bao di động, chiếm 45% thị phần. Các thuê bao Viettel cũng chiếm 50% số người dùng Yahoo! Messenger (YM) tại Việt Nam.

Theo một khảo sát mới đây của Viettel, 90% số người dùng YM tại Việt Nam có sử dụng điện thoại di động và 50% số này là các thuê bao của Viettel. Tuy nhiên, Viettel không công bố số lượng mẫu khảo sát cũng như phương pháp khảo sát để có kết quả này nên đã có nhiều ý kiến cho rằng “số liệu này là chưa đủ độ tin cậy”.

Thông thường, để đảm bảo tính khách quan, các doanh nghiệp thường thuê một đơn vị trung gian và trung lập để tiến hành các cuộc khảo sát. Trong trường hợp này, nếu đây là kết quả do Yahoo hoặc một bên thứ ba công bố sẽ có “độ tin cậy” cao hơn.

Bà Yvonne Chang – Giám đốc điều hành Yahoo! Đông Nam Á cũng cho biết, theo kết quả nghiên cứu Net Index 2009, được thực hiện bởi Kantar Media và Yahoo!, YM hiện có 17 triệu người sử dụng trên tổng số 23,2 triệu người dùng Internet ở Việt Nam. Trong đó, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh chiếm tới 50% số lượng người sử dụng Internet.

“Theo thống kê thì hiện số người sử dụng Internet ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào mạng khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Đây là số liệu ấn tượng và là thị trường tiềm năng cho các dịch vụ trên mạng Internet” Bà Yvonne Chang nói. Theo thống kê của Yahoo, hiện mỗi ngày có khoảng 600 triệu người trên khắp thế giới sử dụng các dịch vụ khác nhau của Yahoo.

TK

Sexting – “Trò dại” hay tội phạm?

ICTnews - Gửi tin nhắn sex (sexting) đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ Mỹ trong khi các nhà quản lý của nước này vẫn chưa thống nhất về việc sexting là một hành động “bồng bột và dại dột” hay là một hành vi phạm pháp?

Khoảng 20 bang của nước Mỹ đã chính thức có hoặc đang dự thảo các đạo luật riêng biệt nhằm đối phó với vấn nạn sexting đang làm băng hoại giới trẻ. Hầu hết đều nhất trí rằng hành vi này cần phải được ngăn chặn bởi “một bàn tay sắt” và hình phạt phải có tác dụng răn đe mạnh mẽ hơn nên đều quy sexting về luật chống lạm dụng tình dục trẻ em hoặc các tội danh khác liên quan đến vấn đề tình dục.

Dẫu vậy, hình phạt của các luật lệ mới này hiện chỉ có thể dừng lại ở một khoản tiền phạt hay một khoảng thời gian “bóc lịch” ngắn ngủi. Ngay trong nội bộ các nhà làm luật của các bang này, sự ra tay của cơ quan tố tụng cũng vấp phải những lời phản đối gay gắt. Người ta cho rằng trách nhiệm chính của việc này thuộc về các bậc cha mẹ bởi đối tượng thực hiện sexting vẫn còn vị thành niên.

Cái khó cho các nhà làm luật là hành động sexting khi thực hiện giữa 2 cá nhân “có quan hệ tình cảm trên mức bình thường” lại hoàn toàn hợp pháp nhưng cũng có thể từ đó, những bức ảnh “nóng” sẽ được phát tán ra điện thoại của các học sinh khác và đích đến cuối cùng sẽ là một nơi nào đó trên mạng Internet.

Kết quả của nhiều cuộc khảo sát cho thấy, vấn nạn sexting đã trở thành mối lo lớn nhất của các bậc phụ huynh Mỹ có con trong độ tuổi từ 8-18. Tỷ lệ thanh thiếu niên có dính dáng đến hành vi sexting đã tăng lên nhanh chóng từ mức 4% lên tới 25% trong năm nay. Tình trạng này buộc chính quyền bang Louisiana phải mạnh tay hơn nữa trong các biện pháp xử lý và theo quy định mới nhất, hành vi sexting lần đầu có thể bị phạt tù tới 10 ngày và lần thứ 2 hình phạt sẽ là 30 ngày.

“Luật pháp đã đi quá xa. Kiểm soát thông tin cá nhân cũng là một hành vi vi phạm luật pháp Mỹ”, Marjorie Esman, tổng giám đốc Hiệp hội Giải phóng công dân của bang Louisiana lên tiếng phản đối. Nhưng Damon Baldone, một nhà làm luật của bang này lại cho rằng hình phạt đó còn quá nhẹ.

Christina Phillis, một luật sư chuyên tư vấn cho thanh thiếu niên lại đưa ra quan điểm rằng sự trừng phạt này chỉ làm cho vấn đề trầm trọng hơn và thậm chí là hủy hoại tương lai của một thiếu niên. “Ngay khi còn trẻ, cái tên của họ đã gắn với một bản án tình dục thì chúng sẽ trở thành những người trưởng thành thế nào đây?”, bà Christina đặt câu hỏi.

Tại một số bang, các nhà quản lý lại tập trung vào sử dụng biện pháp giáo dục. Các nhà làm luật của bang New Jersey đang soạn thảo dự luật yêu cầu các trường học phải có một thời lượng nhất định trong chương trình nhằm cung cấp những kiến thức về hậu quả “luật pháp, tâm lý, xã hội” của hành vi sexting. Đồng thời, dự thảo luật này cũng quy định các nhà phân phối điện thoại di động phải phát kèm một cuốn sách nhỏ, cảnh báo về hành vi sexting cho tất cả những khách hàng của mình. Khi một thanh thiếu niên nào đó bị bắt quả tang gửi tin nhắn sex, họ sẽ không bị kết án hình sự nhưng sẽ phải tham gia một khóa giáo dưỡng bí mật.

Dù chưa tìm được tiếng nói chung trong cách xử lý nhưng các nhà làm luật và quản lý của hầu hết các bang lại tỏ ra rất thống nhất trong quan điểm: Đã đến lúc luật pháp cần phải được sửa đổi để theo kịp với tốc độ phát triển của thế giới công nghệ.

Lê Trí

Theo Wall Street Journal

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 103 ra ngày 27/8/2010.

Sunday, August 22, 2010

22/08 Công thức của thành công?

TP - Sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận được giải thưởng Fields quý giá đã làm nức lòng người Việt khắp nơi. Đó là thành công của một tài năng khoa học lớn. Đó cũng là sự khích lệ quí giá với những người Việt đang ước mơ vươn tới những đỉnh cao, không chỉ trong khoa học, mà trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Vì thế, một sự suy ngẫm về công thức của thành công, nếu có, sẽ giúp ích cho việc định hướng những việc cần làm để đạt được sự thành công.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, công thức của thành công là kết quả của phép nhân ba yếu tố như sau:

Thành công = Tài năng × Nỗ lực × May mắn

Như thế, những người thành công phải hội tụ được cả ba yếu tố nói trên. Nếu có một yếu tố bằng không thì phép nhân trên sẽ cho kết quả bằng không, bất kể các thừa số còn lại có giá trị lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa.

Ví dụ, người có tài năng, có may mắn, nhưng không có nỗ lực - lười biếng chỉ nói không làm chẳng hạn - thì chắc chắn sẽ không thể thành công được.

Nhưng đó là ở những nước phát triển, khi cơ hội thành công là tương đối bình đẳng với tất cả mọi người. Ở đó môi trường, văn hóa, cơ chế làm việc đã phát triển đến mức tương đối hoàn thiện. Còn ở Việt Nam, công thức này có lẽ cần được điều chỉnh như sau:


Thành công = Tài năng × Nỗ lực × May mắn × Môi trường

Tư chất của người Việt không thua kém người nước ngoài. Người Việt có phẩm chất của tài năng. Người Việt lại có tiếng là chăm chỉ cần cù. Còn may mắn, thường là do ngẫu nhiên ngoài sự kiểm soát. Nên yếu tố cuối cùng - môi trường sống và làm việc - là yếu tố quan trọng nhất đến sự thành công của người Việt.

Nếu môi trường không tạo điều kiện cho tài năng phát triển, tác động của môi trường đến sự thành công bằng không (thậm chí âm trong nhiều trường hợp) thì tích số trên vẫn bằng không (hoặc âm). Dù tài năng đến mấy, nỗ lực đến mấy, may mắn đến mấy đi chăng nữa, một cá nhân không thể thành công được.

Điều này cho thấy, thay vì kêu gọi khuyến khích tài năng bằng cách này cách khác một cách ồn ào phản cảm, thì điều cần hơn hết hiện giờ là tạo môi trường cho tài năng phát triển.

Môi trường sống, môi trường làm việc, phải là bệ phóng của tài năng, chứ không phải là nơi kìm hãm và vùi dập tài năng được.

Nói thẳng ra, cơ chế làm việc hiện thời - nhất là của các cơ quan công quyền và học thuật hiện thời - cần phải thay đổi. Bằng không, việc tụt hậu so với thế giới là hệ quả hiển nhiên không cần bàn cãi.

Điều này lý giải tại sao những tài năng khoa học của Việt Nam lại thường chỉ thành công ở nước ngoài. Đơn giản là vì ở đó có môi trường làm việc tốt. Tài năng cá nhân có điều kiện nảy nở chứ không bị thui chột vì những cản trở của môi trường.

Điều này cũng giải thích tại sao, chính sách thu hút nhân tài triển khai ở rất nhiều tỉnh thành gần đây lại thất bại. Vì một lẽ, nhân tài không có môi trường làm việc.

Mà khi nhân tài đã không có môi trường làm việc thì những vế ngược lại - tức là những kẻ bất tài - sẽ thả sức tung hoành bằng nhiều mưu mô mẹo mực khác nhau. Điển hình nhất là việc dùng bằng giả và kéo bè kéo cánh, trù dập người tài.

Khi có môi trường tốt thì nhân tài sẽ tự động được nuôi dưỡng, khuyến khích. Người tài sẽ tự kéo đến. Còn không, dù có khản cổ kêu gọi, thì nhân tài có đến, sớm muộn gì nhân tài cũng sẽ đi.

Những mỹ từ như “ưu đãi”, “trải thảm đỏ”… khi đó sẽ chỉ là những lời sáo rỗng - thậm chí phản cảm, thiếu thành thật - mà thôi.

Vì thế, việc quan trọng nhất hiện giờ không phải là thu hút người tài, mà phải là tạo môi trường thuận lợi cho người tài làm việc; đảm bảo thu nhập và những nhu cầu tối thiểu cho người tài - nhất là những tài năng khoa học - chuyên tâm làm việc.

Làm được như thế, không chỉ tài năng có thể phát triển, mà những kẻ bất tài cũng không còn cớ đổ tại môi trường, tại cơ chế. Đúng là lợi cả đôi đường.

Điều còn lại nhức nhối, là biết rằng có lợi, nhưng vì sao cơ chế và môi trường làm việc vẫn không thay đổi? Vì sao sự cản trở vẫn nằm chặn đường hết năm này qua năm khác, thập kỉ này qua thập kỉ khác?

Câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm và có thẩm quyền.

Giáp Văn Dương

Saturday, August 21, 2010

21/08 'Flash và HTML5 sẽ cùng tồn tại'

Thứ bảy, 21/8/2010, 00:00 


Tương lai của web phụ thuộc vào Adobe Systems Flash hay HTML5, sự tranh cãi lên đến đỉnh điểm khi iPhone và iPad của Apple chọn vế thứ hai. "Thực tế là Flash và HTML5 sẽ tiếp tục cùng tồn tại", bà Vicky Skipp, Giám đốc vùng Đông Nam Á của Adobe, khẳng định.

Flash là phần mềm đặc biệt được phát triển bởi Adobe, cho phép các trang web hiển thị sống động video, âm thanh, game, các ứng dụng trực tuyến. Với những lợi thế đó, Flash dần trở thành thói quen của người dùng web qua nhiều năm và trên thực tế có đến 75% video trực tuyến được xem bằng Flash. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng phần mềm này, người dùng buộc phải cài Flash player trong thiết bị của mình. Nhiều điện thoại di động duyệt được web nhưng không thể xem video vì chưa cài đặt flash player.
Apple đã kiên quyết không hỗ trợ Flash mà dùng HTML5 vì HTML5 khiến người dùng có thể xem video trên trang web không cần bận tâm hệ thống cài đặt Flash hay chương trình plug-in nào khác hay chưa. Điều này khiến "cuộc chiến" giữa hãng này và Adobe ngày càng quyết liệt, thậm chí có nhóm hacker đã tiến hành cài đặt phần mềm của Adobe vào máy iPhone 4 của Apple để chơi game, nghe nhạc và xem video trên Internet...
Tương lai của web phụ thuộc vào Flash hay HTML5, hay HTML5 sẽ chấm dứt và thay thế Flash. VnExpress.net đã trao đổi với bà Vicky Skipp, Giám đốc vùng Đông Nam Á của Adobe, để tìm hiểu rõ hơn.
Hiện Apple không ưa chuộng Flash nên không cài đặt ứng dụng này cho các sản phẩm của họ. Thay vào đó Apple sử dụng HTML5. Việc này đã tác động như thế nào đến Adobe?
- Apple tiếp tục lờ đi điều khách hàng mong muốn khi giới hạn chọn lựa và làm cho việc sử dụng ngày càng khó khăn. iPhone và iPad không phải là phương tiện giao tiếp duy nhất vì còn có các thứ khác như bản in, web, video và vô số những nền di động cạnh tranh đang cung cấp những trải nghiệm tuyệt vời bằng Flash. Đối với ai muốn sử dụng các ứng dụng thông qua phương tiện truyền thông và thiết bị, Flash vẫn là công cụ ứng dụng thiết yếu.
Bà Vicky Skipp, Giám đốc vùng Đông Nam Á của Adobe: "Flash và HTML5 sẽ cùng tồn tại". Ảnh: Adobe.
Với sự xuất hiện của HLML5, thị trường của Flash bị ảnh hưởng như thế nào?
- Flash từng thành công đáng kinh ngạc và thực tế nó vẫn tiếp tục phát triển thông qua các nền khác nhau. Nó đang được triển khai thông qua 98% người dùng máy tính để bàn và một số lượng lớn người dùng netbook, smartbook cùng những thiết bị di động ngày càng tăng.
Hơn 35 triệu chuyên viên thiết kế làm việc trong lĩnh vực công nghệ trên toàn thế giới sử dụng Flash. Flash có mặt trong một tỷ lệ rất lớn các trò chơi thường ngày, video và phim hoạt hình trên web. Theo đánh giá độc lập của hãng Comscore, hơn 75% video trực tuyến được xem bằng chương trình Flash.
Ngay từ khi Flash 10.1 ra đời, đã có rất nhiều phản hồi tích cực và sự hứng thú từ các đối tác trong ngành công nghệ di động. Điều này cho thấy khi web vẫn còn được ưa chuộng thì Flash vẫn đóng vai trò trong cuộc sống.
Là một trong những ứng dụng miễn phí trên thị trường Android hiện nay, Flash Player 10.1 cũng đã được tung ra cho những đối tác nền di động để được hỗ trợ trên những thiết bị Android, BlackBerry, webOS, các phiên bản mới của Windows Phone, LiMo, MeeGo, Symbian OS.
Chúng tôi dự báo rằng trên 50% smartphone được bán vào năm 2010 sẽ được cài đặt Flash.
Nhưng không thể phủ nhận các lợi ích HTML5 mang lại. Adobe có kế hoạch đối phó ra sao?
- Adobe sẽ có những kế hoạch đổi mới cho Flash trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục để cho hàng triệu người trên toàn cầu tiếp cận Flash dù họ dùng bất kì trình duyệt nào, hệ điều hành nào hay bất kì loại chip thiết bị nào đang sử dụng.
Còn khả năng HTML5 và Flash kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau?
- Chúng tôi đã hỗ trợ HTML5 vào Dreamweaver CS (phần mềm dùng thiết kế web). HTML5 là một chuẩn tuyệt vời. Nó sẽ làm cho cuộc cạnh tranh thêm thú vị và giữ cho quá trình cải tiến tiếp tục, để cuối cùng mang lại kết quả trong những giải pháp khả thi nhất cho khách hàng và nhà phân phối nội dung.
Ngay cả nếu việc tiêu chuẩn hóa này mất khoảng 5 đến 10 năm thì mọi thứ vẫn tuyệt khi HTML 5 đang trên đường phát triển và Adobe cam kết sẽ hỗ trợ nó trong các công cụ của chúng tôi.
Thực tế là Flash và HTML sẽ tếp tục cùng tồn tại (như cùng tồn tại trong Dreamweaver CS). Chúng tôi xem HTML5 như là một sự tiến hóa tự nhiên của mạng.
Kiên Cường thực hiện


Phải thế chứ
Ít ra người ta còn nói được như thế. Dù gì thì Flash và HTML5 cũng có một chút gì đó là đối thủ của nhau cơ đấy.

Ai như cái ông Job của Apple. Máy của ổng mất sóng thì ổng đổ lỗi cho khách hàng, rồi lôi thêm mấy hãng khác vào cục shit đó. Iphone, iPad không hỗ trợ Flash, bắt người dùng và cả hacker tìm cách cài vào - thế mà nói Flash không hỗ trợ iPhone và iPad. Bullshit! Người ta chỉ nghĩ ngược lại thôi: máy Apple không hỗ trợ Flash. Nói thật, tớ là người dùng iPhone 3Gs mà còn ghét một cái nó không có sẵn Flash - vốn miễn phí nữa chứ. May mà còn coi Youtube được.

Lời của Apple thì cũng có quan trọng đấy nhưng thử nghĩ xem, đến hơn 80% máy tính trên thế giới này dùng Windows mà có mấy máy không cài Flash. Ngay cả dân dùng MAC nếu có chuyện không hỗ trợ Flash thì họ cũng tìm cách cài vào mà thôi. Ngày HTML5 thay Flash không ai dám nói là chẳng bao giờ có, nhưng là bao giờ nhỉ? Chỉ có Job mạnh miệng tuyên bố là sắp rồi thôi.
( su co )

Apple và Adobe đã không tìm được tiếng nói chung
Khi đã không ưa nhau thì rất khó hợp tác. Thực ra nguyên tắc cơ bản của hợp tác là được gì. Vậy trong một thương vụ đàm phán kín nào đó, Apple và Adobe đã không có được những thỏa thuận hợp tác mang lại lợi ích phù hợp về quyền lợi cho cả đôi bên, chính vì vậy mà họ đã quyết định không đi đến sử dụng sản phẩm của nhau. Còn nếu giải thích của SJ là Flash gây tốn kém tài nguyên thì nghe cũng không hợp lý lắm: thứ nhất Flash được cả thế giới tin dùng và hiện các hãng sản xuất điện thoại smartphone khác cũng đang dùng. Thứ hai, Adobe là nhà sản xuất phần mềm cực lớn, nếu thống nhất hợp tác họ sẽ có thể tối ưu hóa sản phẩm của họ cho phù hợp với yêu cầu của Apple. Thế còn HTML5 vẫn sẽ tồn tại và phát triển theo con đường riêng của nó, chứ không phải vì riêng một thương hiệu sản phẩm nào đó.
( vctel )

Nhảm dễ sợ
Lý do "phải cài đặt plug-in" được lặp đi lặp lại để đánh Flash nghe nhảm không thể tả nổi. Vừa trẻ con vừa khôi hài. Dùng máy tính thì chuyện cài đặt phần mềm là chuyện bình thường chứ có gì mà phải ồn ào nhỉ, nhất là khi 98% máy tính đã cài đặt sẵn Flash, update cũng cực dễ, cực nhẹ, lại hoàn toàn miễn phí chứ có phải Adobe đòi thu vài ngàn $ mỗi lần cài đâu. Apple chơi ngông không đúng bài nên gây phản cảm nặng vụ này. Một mặt kêu gào cộng đồng không nên chơi với thằng Adobe độc quyền (dù nó đã mở và miễn phí quá nhiều thứ), một mặt ngày càng lộ rõ âm mưu muốn xây dựng đế chế Apple độc quyền để phục hận Microsoft. Cái gì Apple cũng đòi thu phí, cái gì cũng đòi tiền nếu muốn được hỗ trợ. Quá chuối!
( Quân )

HTML5 là một bước tiến xa so với HTML4
HTML5 là một bước tiến xa so với HTML4 nhưng mà so với Flash thì nó vẫn còn thua xa 1 trời 1 vực. 1. Thứ nhất phải nói đến source code thì khá phức tạp so với các phiên bản trước, công cụ hỗ trợ để phát triển thì hết sức nghèo nàn. Chắc cũng chỉ bằng 1 góc của thằng Adobe Flash. 2. Thứ 2 phải nói về hiệu ứng và khả năng tương tác thì còn thua xa flash. Bạn cứ so sánh 1 game flash với 1 game sử dụng html5 và javascript thì biết. Một bên thì đồ họa mượt mà , một bên thì chơi cứ cà dựt. Ai nói chạy html 5 là nhẹ. Html 5 mà ko kết hợp với javascript và css3 thì vứt. Mà khi viết javascript để chạy mã thì cũng dùng tài nguyên của thằng client có thua kém gì thằng flash đâu. Mọi người cứ vô mấy cái web này để chơi game html 5 thì biết http://jfd.github.com/wpilot/ 3 Thứ 3 nữa là flash bây giờ đã quá phổ biến rồi html muốn phổ thông thì cũng phải đợi 5 đến 10 năm nữa. Dùng flash thì chỉ cần cài thêm flash player là xong còn xài html 5 thì chỉ có thể là trình duyệt IE8, firefox 3 trở lên, chrome, safari. Mà hiện tại thì đến hơn 50% người dùng đều xài trình duyệt IE6 7 rồi. Nếu apple mà cứ khư khư giữ cái quan điểm đóa thì phải 5 10 năm nữa người dùng iphone ipad mới có thể xem video trực tuyến ngay trên trình duyệt ah. Thật là quá vô lí. Đúng là thằng Apple chỉ muốn đánh lẻ, muốn độc quyền, đi đâu cũng muốn thu tiền người ta. Mà sao thấy mọi người ko đề cập đến thằng silverlight nhỉ. Mình thấy nó mới đáng mặt làm đối thủ của Adobe Flash. Còn chờ html5 thì phải chờ dài dài nhé.
( Micheal )

Có gì đâu mà chê với trách
Mỗi cái đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng việc Adobe mặc dù miễn phí nhưng nó sẽ khó trong việc thiết kế, còn HTML5 mình chưa tìm hiểu nhưng chắc chắn chúng sẽ có điểm mạnh và điểm yếu riêng cũng giống như Microsoft và Apple thui mà có gì đâu mà làm lớn.
( Thinh )

Tương lai của WEB
Trong kinh tế, tôi nhận thấy có 2 kiểu hình: 1 là cố nắm bắt thị trường để rồi tạo lợi nhuận từ việc phát triển phù hợp với sự phát triển tự nhiên. Điều này là bình thường. Điểu tôi muốn nói tới là nhóm thứ 2. Nhóm cá bự trong biển lớn nhu Apple. Họ tự điều tiết vào tạo xu hướng phát triền không chỉ cho riêng họ mà cho cả thị trường. Nhờ vậy mà công nghệ web và internet sẽ được phát triển bền vững hơn trong môi truờng cạnh tranh lành mạnh. Cùng với xu hướng tich hợp mọi thứ dẫn đến việc thuận lợi hơn cho người tiêu dùng, tôi tin rằng 1 ngày không xa, người dùng có thể phát huy hơn nữa tác dụng của trình duyệt mà không cần gói phụ trợ cài đặt thêm. Chính những gói hỗ trợ riêng lẻ đó (ngày càng nhiều) đã tạo ra rất nhiều bối rối cho người tiêu dùng. Đạt hiệu quả nhanh va cao nhất mà không cần nhiều cài đặt ruờm rà (cụ thể là trong công nghệ web) là cái đích đúng đắn mà ai cũng muốn và cũng là điều chúng tôi đang cố gắng mang đến cho người sử dụng.
( LAM )

Hy vọng HTML5 sẻ phát triển hơn
Flash vẫn tồn tai nhưng tương lai trước mắt HTML5 sẻ có bước phát triển ko phải bây giờ mà là tương lai =))
( FanDongNhi )

Vụ này vẫn nóng
Trước đây công nghệ còn lạc hậu, phần mềm thường được thiết kế theo mô hình đóng, dồn tất cả vào "một cục". Sau đó mô hình "gắn thêm" (plug in, add in, add on, widget, gadget) ra đời được chào đón nồng nhiệt, đơn giản vì nó rất khoa học và mềm dẻo. Firefox trở thành trình duyệt có số má cũng chính vì khả năng "gắn thêm" cực kỳ linh động của nó và các trình duyệt khác đều phải cải tiến khả năng "gắn thêm" này. Cho nên nếu lấy các lý do khác như Flash ngốn RAM, Flash gây chậm máy... (giả dụ thế) để lên án Flash thì lại đi một nhẽ, còn nếu lên án nó vì cái plug-in thì đúng như một bạn đã nói, nghe rất buồn cười. Nếu vậy thì đến một lúc người ta sẽ lên án Windows, Mac, Linux vì cứ phải cài thêm trình duyệt cho rườm rà, và Chrome OS sẽ thành bá chủ vì... không cần trình duyệt. Tốt nhất nghỉ dùng máy tính luôn cho đỡ... rườm rà. Nhưng vấn đề là ở chỗ cố lên gân để đem so sánh Flash và HTML đã là một sự vô lý kinh khủng, vì chúng khác nhau ở rất nhiều khía cạnh và chỉ có một khía cạnh gần đây đụng nhau khi chuẩn HTML5 được công bố, đó là khía cạnh Rich Media Content, còn lại các thứ khác vẫn... đường ai nấy đi, chẳng hề đụng chạm đến nỗi phải triệt tiêu lẫn nhau.
( Hiền )