Sunday, April 10, 2011

15/10/2009 Cuốn sách của con người sung sướng của Lưu thị Lương


Lưu Thị Lương
Thứ Năm, 15/10/2009, 08:38 (GMT+7)

(TBKTSG) - Đặt tựa “Cuốn sách của con người sung sướng” bởi vì cuốn sách do một người phụ nữ thành đạt, nổi tiếng, có chồng là một giáo sư viết.

Rõ ràng không phải là truyện, nhưng những ghi chép này, tự nó, chở biết bao nhiêu chuyện của một con người sung sướng, được bước đi trên khắp đất nước mình và gần khắp những nước non trên thế gian này. Những chuyến đi đó phần lớn là đi chơi (không đi rất uổng), với chồng, với ông Sơn Nam, với học trò, bạn bè…

Thì đã nói đó là con người sung sướng mà lại. Nói chính xác là người phụ nữ sung sướng và tự do. Vì một bà nội trợ suốt ngày tính toán bữa trưa ba món gồm giá hẹ xào đậu hủ, cá kho, canh bí đỏ; bữa chiều cũng ba món rau muống luộc, canh bí xanh, tôm rim, mà phải bảo đảm tiêu chí ngon, bổ, rẻ, hợp vệ sinh, an toàn thực phẩm, rồi mai ăn gì đây, mốt ăn gì nữa chứ!

Rồi giặt ủi quần áo cho cả nhà, rồi vừa tắm rửa, đút cơm, chải đầu, thắt nơ cho con vừa nghe con méc chuyện trong lớp đứa kia giựt tóc, đứa nọ chửi tên của ba mẹ, rồi chiều chồng... thì khỏi có chuyện bay từ Á sang Âu, sang Mỹ, từ Nam ra Bắc, đi dọc miền Trung, lên xuống miền Tây xoàn xoạt như về thăm quê hương bản quán của mình.

Cho nên người phụ nữ tự do nói trên tha hồ đi đây đi đó, đi tới chỗ nào là có bài viết tới đó, viết bằng con mắt quan sát tỉ mỉ, chi li của phụ nữ, bằng sự nhạy bén và nhạy cảm tinh vi của phụ nữ. Nhưng hơn hết là bằng con mắt suy nghĩ của một bậc học giả giỏi bàn chuyện khoa học, chuyện thế sự, chuyện con người đi đâu về đâu nếu cứ ăn ở buông tuồng, mất sau mất trước. Bởi vậy, tựa chung của những ghi chép này mới là Bày tỏ tình yêu.

Cuốn sách chia làm tám phần, không có đề mục nhưng đánh số thứ tự có chủ ý. Tôi bị bệnh nghề nghiệp, hễ giảng văn thì phải chia bố cục của văn bản làm mấy đoạn, tìm ý chính mỗi đoạn nên đã đặt tên đại cho tám phần đó như vầy: môi trường, ông Sơn Nam, miền Tây Nam bộ, đời thường, Chợ Lớn (nơi sinh sống quá khứ và hiện tại lẫn vị lai?), tuổi già (già thiệt, bằng cớ là đã gọi một viên chức ngoại quốc trẻ tuổi là chú Tây), kí ức Bình Dương (nơi chôn nhau cắt rốn).

Bày tỏ tình yêu, sách dày 271 trang, giá bán 43.000 đồng, do NXB Văn Nghệ xuất bản năm 2009, Phương Nam Book phát hành.
Ở cái phần môi trường ấy, sau khi gợi cho người ta một khoảnh khắc tự kiểm về chuyện quăng đại cái vỏ chai nước uống xuống sông, thì có thể dùng làm những bài học tuyên truyền cụ thể, dễ hiểu về chuyện yêu quý môi trường cho bà con làng nước vì nó không hô to, nói dài. “Cái cây mình trồng là một kỉ niệm với mảnh đất mình ở, mình còn ở đó thì nó là bạn, mình đi xa thì nó là cái ở lại đợi mình về” (*). Lãng mạn nhưng mà chân thật, thuyết phục quá chừng, đến nỗi con nít con nôi cũng hiểu.

Phần ông Sơn Nam (ừ, tụi tôi chưa bao giờ gọi là nhà văn Sơn Nam, hay tại bởi mình cũng là nhà văn, hay vì gọi ông với lòng kính trọng sự nghiệp văn chương của ông) là những tư liệu rất quý vì chưa chắc ông Sơn Nam đã chịu viết ra, nếu ông còn sống mà viết. Những bài viết của Lý Lan - một người rất thân với ông Sơn Nam như con cháu trong nhà - giúp người đọc thấy ý nghĩa hiện đại và những tư tưởng lớn trong tác phẩm của ông già Nam bộ, cả đời đi bộ trên đất Sài Gòn hoa lệ.

Mà thôi, tôi không nên nói nhiều, cũng như thầy cô giáo không nên làm bài văn mẫu giùm cho học sinh, để thiên hạ tự đọc một mình cho thỏa chí phỉ tình chứ, để lỡ mà tôi nói không trúng thì cũng bị quở ít ít thôi. Tôi chỉ nói thêm ý này. Bạn mình sao mà yêu nước thấy thương. Môn giáo dục công dân và môn văn trong trường phổ thông nói rằng yêu thiên nhiên làng xóm tức là có lòng yêu nước.

Tôi cũng thấm thía bạn là một người tự do và dũng cảm. Tôi viết hay sợ bị phê bình, bạn viết thoải mái, thỏa thích nói những gì mình nghĩ, những điều người ta ngại nghe.

Tôi nghĩ nếu không thích mấy phần này, mọi người chỉ cần đọc những phần mà Lý Lan đứng đó cười tươi rói, đưa tay ra dắt họ đi tới những vùng đất không có gì chơi, để biết, những ngả đường đã thấy, đã biết mà chưa cảm nhận, để hiểu. Vậy là cũng quý lắm rồi.

____________________________________

(*) Những chữ in nghiêng là trích tác phẩm.

No comments:

Post a Comment