Saturday, June 5, 2010

05/06 Dân chủ và hiền tài

(Bản thảo bài đăng trên tạp chí Tia Sáng số ra ngày 5/6/2010)
Giáp Văn Dương
Mở rộng dân chủ để lựa chọn và trọng dụng hiền tài sẽ là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công trong thời đại mới.
Không xa lạ
Nước Việt Nam, khi mới thành lập có tên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đó cho thấy, dân chủ không phải là một sự xa lạ hay mục tiêu xa vời đối với người Việt Nam.
Câu đầu tiên trong bản tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 là: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Bình đẳng không chỉ giới hạn trong “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, mà còn bình đẳng về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước.
Trong việc thu hút người tài, lựa chọn lãnh đạo cho đất nước, thì bình đẳng chính là dân chủ trong công tác cán bộ, một mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới.
Bình đẳng và dân chủ vì thế là một cặp giá trị song sinh không thể tách rời, cái này làm tiền đề và cơ sở cho sự tồn tại của cái kia. Đó là lý do vì sao, khi lập nước, Việt Nam có tên là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì trong bản tuyên ngôn độc lập, bình đẳng đuợc nhấn mạnh và đưa ra trước hết.
Người Việt Nam đã tiếp xúc với dân chủ và bình đẳng từ khi mới lập nước nên không hề xa lạ với hai giá trị này. Việc cần làm hiện giờ chỉ là mở rộng, củng cố, tăng cường để dân chủ và bình đẳng có những nội dung thực chất, đi vào đời sống, chứ không phải đơn thuần là những giá trị hình thức chỉ tồn tại trên văn bản.
Nguyên khí quốc gia
Trên bia đá ở Văn Miếu có khắc một câu nổi tiếng của tế tửu Quốc tử giám Thân Nhân Trung, bao đời nay vẫn được coi là căn cội cho việc hưng bang trị quốc: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp” .
Nhưng hiền tài xuất lộ làm sao khi không có cơ chế dân chủ để tuyển lựa? Nếu được tuyển lựa được rồi mà không có dân chủ thì hiền tài làm sao thi thố tài năng? Chưa kể trong thời hiện đại, hiền tài không chỉ cần làu thông kinh sử, biết phép làm quan, mà còn phải đương đầu biết bao nhiêu việc lớn bé trong ngoài, phức tạp gấp nhiều lần ngày truớc. Tri thức cần có của hiền tài ngày nay cũng không chỉ còn là Tứ thư Ngũ kinh mà là cả bể kiến thức về khoa học, quản lý, kĩ nghệ... của nhân loại. Những tri thức này lại được cập nhật và điều chỉnh không ngừng, nên không thể có một cá nhân nào có thể giỏi hết tất cả mọi lĩnh vực. Thời cuộc lại phức tạp và biến động từng ngày. Giao lưu quan hệ không chỉ còn với những nước láng giềng như trước mà đã mở rộng ra khắp toàn cầu. Trong hoàn cảnh đó, dân chủ để lựa chọn một đội ngũ hiền tài đa lĩnh vực, phục vụ cho công cuộc phát triển trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Dân chủ không chỉ dọn đường cho hiền tài xuất hiện, mà còn là môi trường để hiền tài phát huy tài năng, sở trường của mình. Không có dân chủ, hiền tài dù có được để mắt tới thì cũng bị bó chân bó tay, trở nên vô dụng.
Dân chủ và hiền tài vì thế luôn phải đi liền với nhau. Thiếu một trong hai yếu tố này, đất nước khó lòng phát triển. Vì lẽ đó, nhận định của người xưa về hiền tài cần được bổ sung thêm một vế tương ứng về dân chủ cho thuận thời đại: Dân chủ là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí cường thì nước thịnh, nguyên khí nhược thì nước suy.
Dân chủ và hiền tài là hai luồng nguyên khí quan trọng nhất của đất nước, hòa quyện vào nhau, củng cố và nâng đỡ cho nhau. Nếu biết cách bồi đắp hai luồng nguyên khí này cho cường thịnh thì đất nước nhất định sẽ phát triển vượt bậc.
Nói cách khác, mở rộng dân chủ để lựa chọn và trọng dụng hiền tài sẽ là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công trong thời đại mới.