Sunday, August 22, 2010

22/08 Công thức của thành công?

TP - Sự kiện GS Ngô Bảo Châu nhận được giải thưởng Fields quý giá đã làm nức lòng người Việt khắp nơi. Đó là thành công của một tài năng khoa học lớn. Đó cũng là sự khích lệ quí giá với những người Việt đang ước mơ vươn tới những đỉnh cao, không chỉ trong khoa học, mà trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Vì thế, một sự suy ngẫm về công thức của thành công, nếu có, sẽ giúp ích cho việc định hướng những việc cần làm để đạt được sự thành công.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, công thức của thành công là kết quả của phép nhân ba yếu tố như sau:

Thành công = Tài năng × Nỗ lực × May mắn

Như thế, những người thành công phải hội tụ được cả ba yếu tố nói trên. Nếu có một yếu tố bằng không thì phép nhân trên sẽ cho kết quả bằng không, bất kể các thừa số còn lại có giá trị lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa.

Ví dụ, người có tài năng, có may mắn, nhưng không có nỗ lực - lười biếng chỉ nói không làm chẳng hạn - thì chắc chắn sẽ không thể thành công được.

Nhưng đó là ở những nước phát triển, khi cơ hội thành công là tương đối bình đẳng với tất cả mọi người. Ở đó môi trường, văn hóa, cơ chế làm việc đã phát triển đến mức tương đối hoàn thiện. Còn ở Việt Nam, công thức này có lẽ cần được điều chỉnh như sau:


Thành công = Tài năng × Nỗ lực × May mắn × Môi trường

Tư chất của người Việt không thua kém người nước ngoài. Người Việt có phẩm chất của tài năng. Người Việt lại có tiếng là chăm chỉ cần cù. Còn may mắn, thường là do ngẫu nhiên ngoài sự kiểm soát. Nên yếu tố cuối cùng - môi trường sống và làm việc - là yếu tố quan trọng nhất đến sự thành công của người Việt.

Nếu môi trường không tạo điều kiện cho tài năng phát triển, tác động của môi trường đến sự thành công bằng không (thậm chí âm trong nhiều trường hợp) thì tích số trên vẫn bằng không (hoặc âm). Dù tài năng đến mấy, nỗ lực đến mấy, may mắn đến mấy đi chăng nữa, một cá nhân không thể thành công được.

Điều này cho thấy, thay vì kêu gọi khuyến khích tài năng bằng cách này cách khác một cách ồn ào phản cảm, thì điều cần hơn hết hiện giờ là tạo môi trường cho tài năng phát triển.

Môi trường sống, môi trường làm việc, phải là bệ phóng của tài năng, chứ không phải là nơi kìm hãm và vùi dập tài năng được.

Nói thẳng ra, cơ chế làm việc hiện thời - nhất là của các cơ quan công quyền và học thuật hiện thời - cần phải thay đổi. Bằng không, việc tụt hậu so với thế giới là hệ quả hiển nhiên không cần bàn cãi.

Điều này lý giải tại sao những tài năng khoa học của Việt Nam lại thường chỉ thành công ở nước ngoài. Đơn giản là vì ở đó có môi trường làm việc tốt. Tài năng cá nhân có điều kiện nảy nở chứ không bị thui chột vì những cản trở của môi trường.

Điều này cũng giải thích tại sao, chính sách thu hút nhân tài triển khai ở rất nhiều tỉnh thành gần đây lại thất bại. Vì một lẽ, nhân tài không có môi trường làm việc.

Mà khi nhân tài đã không có môi trường làm việc thì những vế ngược lại - tức là những kẻ bất tài - sẽ thả sức tung hoành bằng nhiều mưu mô mẹo mực khác nhau. Điển hình nhất là việc dùng bằng giả và kéo bè kéo cánh, trù dập người tài.

Khi có môi trường tốt thì nhân tài sẽ tự động được nuôi dưỡng, khuyến khích. Người tài sẽ tự kéo đến. Còn không, dù có khản cổ kêu gọi, thì nhân tài có đến, sớm muộn gì nhân tài cũng sẽ đi.

Những mỹ từ như “ưu đãi”, “trải thảm đỏ”… khi đó sẽ chỉ là những lời sáo rỗng - thậm chí phản cảm, thiếu thành thật - mà thôi.

Vì thế, việc quan trọng nhất hiện giờ không phải là thu hút người tài, mà phải là tạo môi trường thuận lợi cho người tài làm việc; đảm bảo thu nhập và những nhu cầu tối thiểu cho người tài - nhất là những tài năng khoa học - chuyên tâm làm việc.

Làm được như thế, không chỉ tài năng có thể phát triển, mà những kẻ bất tài cũng không còn cớ đổ tại môi trường, tại cơ chế. Đúng là lợi cả đôi đường.

Điều còn lại nhức nhối, là biết rằng có lợi, nhưng vì sao cơ chế và môi trường làm việc vẫn không thay đổi? Vì sao sự cản trở vẫn nằm chặn đường hết năm này qua năm khác, thập kỉ này qua thập kỉ khác?

Câu trả lời xin dành cho những người có trách nhiệm và có thẩm quyền.

Giáp Văn Dương