Sunday, April 10, 2011

07/01 Đường cái quan


Độc Thư
Thứ Năm, 1/7/2010, 10:32 (GMT+7)

Sách do Phương Nam và NXB Văn nghệ hợp tác xuất bản - 2010.
(TBKTSG) - Nếu ai đó nghĩ rằng, mấy ông làm nghiên cứu kinh tế, chuyên gia tư vấn chính sách khi viết văn thường đầy lý trí, thực dụng thì họ đã sai, ít ra là khi đọc những bút ký như cuốn “Đường cái quan” của Bùi Quang Đạt.

Cuốn bút ký của chuyên gia kinh tế Bùi Quang Đạt mỏng, chưa đến 150 trang nhưng gói trong nó sự thao thức của một người Việt tha hương “đi tìm đất Tịnh” mà hồn luôn day dứt “nhớ về đất Hằng”.

Xuyên suốt cuốn sách là những kinh nghiệm và suy tư trong suốt hành trình rong ruổi từ một cậu sinh viên gốc Việt nghèo ôm đàn đi hát trong những tụ điểm sặc mùi hiện sinh ở Paris, cho đến khi trở thành một tiến sĩ giảng dạy về kinh tế và tài chính hay làm chuyên gia tư vấn tại các nước nghèo châu Á, Nam Mỹ, châu Phi.

Phía sau những cảm xúc, rung động mãnh liệt mà chóng vánh với những bóng giai nhân, phía sau những cuộc gặp gỡ bạn bè, phía sau những cuộc hội ngộ đồng hương trên đất lạ được viết với cái giọng đôi khi tưởng chừng cà rỡn, là câu chuyện thân phận một con người gắn bó bằng những sợi dây vô hình với nơi mình sinh ra, mà ta vẫn gọi là quê nhà, dù họ tự nguyện ra đi hay bị xô đẩy ra đi.

Cuốn bút ký thể hiện cái tình của con người trong cuộc xô đẩy dữ dội của những làn sóng di dân ở những nước nghèo. Tác giả truyền cho người đọc cái cảm giác hẫng hụt khi rời xa “người tình” châu Mỹ Latin ở hộp đêm Paris, sự cảm động khi gặp một bà cụ người Việt mặc áo tứ thân ngồi bán chạp phô trên đường phố Niger nghèo nàn để rồi ngậm ngùi vì lời thất hẹn với một “người tình” Mỹ Lai lưu lạc ở tận xứ Mã Đảo…

Và, trong tư cách của một chuyên gia kinh tế, tác giả đã chỉ ra những bất cập mang tính chất tân thực dân đang xảy ra với các nước nghèo trên thế giới. Ông đưa vào sách nhiều nhận định, nhiều suy tư và trải nghiệm. Ví dụ, phân tích vì sao sau khi thoát khỏi ách thực dân các nước châu Phi vẫn tiếp tục nghèo nàn và nợ nần, lệ thuộc chính trị vào các cường quốc; tác giả lý giải hiện trạng của Thái Lan, Lào hay Philippines trong bối cảnh mới…

Và tác giả nhìn thấy “Đường cái quan của đệ tam thế giới đã trở thành con đường mòn khúc khuỷu của thế thăng bằng bấp bênh giữa sự thịnh vượng trong vòng lệ thuộc và nền độc lập trong cảnh túng quẩn. Muốn giữ thế quân bình, quả là khó khăn! Song cũng chẳng còn phương cách nào khác” (trang 133).

Và cuối cùng, thấp thoáng một nỗi niềm đau đáu quê nhà của một trí thức xa quê (có lúc tác giả tự nhạo mình là “kẻ đánh thuê”). “Muốn lấy sở học để xây dựng xứ sở. Nhưng trên thực tế đã đem tâm não phục vụ cho xứ người. Có xả thân phục vụ cho ngoại nhân, cũng chẳng bao giờ được coi là người trong cuộc. Ngôi chủ, khách phân minh: con người bị đặt trong những hoàn cảnh có giới hạn không sao bước đến cuối đường của lộ trình tạm vay mượn!”.

Chương cuối cuốn sách, tác giả kể câu chuyện trở về Việt Nam vào năm 1992 sau những chuỗi ngày rong ruổi. Nhưng việc trở về quê hương cũng khiến ông thao thức: có phải đây cũng chỉ là sự tiếp tục hành trình tìm học thêm một “sàng khôn” như cái tích người ở đất Hằng Châu trưởng thành nơi đất Tịnh Châu, lúc về già chỉ nhớ Tịnh Châu mà quên hẳn đất Hằng Châu?

Tác giả sinh năm 1949, tại Hà Nội; tốt nghiệp Đại học Sorbonne (Pháp) và John Hopkins (Mỹ), từng giảng dạy kinh tế tài chính tại các trường đại học ở châu Phi và Bắc Mỹ; từng tư vấn cho các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới tại châu Á, Nam Mỹ, châu Phi…

Một cuốn sách được viết với văn phong rất phóng khoáng và nhiều thao thức.

No comments:

Post a Comment