Saturday, April 9, 2011

07/04 NHÀ BÁO HUY ĐỨC: CHÍNH TRỊ, TÔN GIÁO VÀ CÙ HUY HÀ VŨ

07-04-2011

NHÀ BÁO HUY ĐỨC: CHÍNH TRỊ, TÔN GIÁO VÀ CÙ HUY HÀ VŨ


Huy Đức (Osin)

Chính quyền có thể là đã lo lắng về một đám đông có thể xuất hiện khi đưa tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ ra tòa nên đã triển khai một lực lượng cảnh sát hùng hậu ngay trong ngày tòa xử. Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát.

Trong một nhà nước toàn trị, chính quyền có đủ quyền lực để làm bất cứ điều gì. Nhưng không phải cứ toàn trị thì không cần cân nhắc chính trị khi hành xử quyền hành vốn không bị ai giới hạn. Bức ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt mồm trong phiên tòa diễn ra ngày 30-3-2007 mang tính biểu tượng có lẽ không kém bức ảnh tướng Loan dí súng vào đầu bắn một tù binh hồi Mậu Thân. Trong lần đến Mỹ, khi trả lời phỏng vấn đài CNN, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết giải thích, khi ấy linh mục Nguyễn Văn Lý đã lăng mạ tòa. Nghe nói ông Lý còn định đạp đổ cả vành móng ngựa.

Cũng như những phiên tòa cùng loại, thường thì chính quyền chỉ muốn nó diễn ra đúng kịch bản, chứ ít khi để nó diễn ra tự nhiên. Phiên tòa sẽ chính trị hơn, chính quyền sẽ được lợi hơn nếu hình ảnh cha Lý-thay vì dùng lý lẽ lại dùng những lời lẽ không thích hợp ở một nơi tôn nghiêm-được phát đi trên truyền thông đại chúng. Hôm đó, nếu như các nhà báo được vào phòng xử án thì họ sẽ phải ngồi sau lưng cha Lý và đã không thể chụp bức ảnh cha Lý bị bịt mồm. Vì quá cẩn thận để các nhà báo quan sát phiên xử qua truyền hình nên bức ảnh chụp gián tiếp đã trở thành một công cụ tố cáo mạnh hơn trăm nghìn bài báo khác.

Không chỉ với “các nhà dân chủ”, cách hành xử cứng nhắc trong vụ nhà thờ Tam Tòa hồi tháng 7-2009, cũng đã tự nhiên đặt chính quyền trước một xung đột với các giáo dân. Tháp chuông bị bom-một chứng tích chiến tranh có giá trị bảo tồn- và tài sản của nhà thờ là hai mối quan hệ khác nhau. Không chỉ có giáo hội, nhiều người dân từng nuôi giấu những người cộng sản cũng đã phải dở khóc dở cười khi nhà của họ được xếp vào hàng di tích-Họ không còn dễ dàng đem bán, đem sửa nhà mình.

Không phải con cái trở thành nhân vật lịch sử thì cha mẹ không còn được xoa đầu. Quyền hành chánh của nhà nước và quyền dân sự của các tổ chức công dân là hai phạm trù khác nhau. Nếu quyền về tài sản của tổ chức, công dân không được tôn trọng thì xung đột là điều không tránh khỏi. Giáo hội chắc chắn cũng nhận thức được sức thu hút của cái tháp chuông bị đánh bom để bảo tồn và khai thác sự quan tâm của du khách. Nếu như để cho họ quản lý di tích ấy theo luật Bảo tồn và xây lên bên cạnh một nhà thờ để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thì không những nhà nước-giáo hội có thể hữu hảo với nhau mà bà con lương-giáo cũng không việc chi phải tiếng chì, tiếng bấc.

Xét từ góc độ lợi ích của chính quyền, vụ bắt bớ Cù Huy Hà Vũ mất nhiều hơn được. Nếu cứ để cho ông Vũ kiện cáo, phát biểu trên internet hoặc trên đài nước ngoài, thì dân chúng trong nước cũng chỉ quan sát rồi cười còn những người chống cộng ở bên ngoài cũng không biết lấy cớ gì mà chống. Bắt Cù Huy Hà Vũ, không những giúp ông ấy kiến tạo hình ảnh của một người hùng mà Chính quyền tự nhiên phải đối phó với sự chỉ trích của quốc tế, đối phó với những mối lo ở quốc nội, một cách nhọc công không cần thiết.

Điều đáng chú ý là công giáo đã khai thác không giấu diếm những sự kiện như thế này. Nhiều bloggers, nhiều “nhà dân chủ”, sau những ngày bị bắt, sau khi mãn hạn tù, đã theo đạo để tìm sự chở che của Chúa. Trên mạng cũng bắt đầu thấy hình ảnh bà Dương Hà xuất hiện ở nhà thờ. Giáo xứ Thái Hà còn tổ chức đốt nến cầu nguyện cho Cù Huy Hà Vũ. Để người dân tự do tín ngưỡng và tôn giáo trở thành một lực lượng giúp kiến tạo nền tảng đạo đức thì xã hội sẽ thêm an bình. Để tôn giáo trở thành một lực lượng chính trị thì hậu quả về lâu dài là không lường được.

Nguồn: FB của Huy Đức.

22 nhận xét:

NeoHon nói...

Có lẽ viết "Điều đáng chú ý là công giáo đã khai thác không giấu diếm những sự kiện như thế này" không chính xác.Nếu có một lực đẩy người ta ra xa ,không thân thiện ,thì tự nhiên người ta sẽ tìm tới những người bạn tốt trong khó khăn

Nặc danh nói...

lâu lắm mới thấy anh HĐ đăng bài như thế này

thật chí lý

Nặc danh nói...

Người làm báo xã hội đúng là làm chính trị, các lãnh tụ CS tiền bối đều viết báo như TChinh, VNGiap,..các nhà chính trị hiện nay lại không biết làm báo...các bài viết có ký tên các vị chăng nữa đều là những bài viết hộ và thực tế không biết làm chính trị.
Bac HĐức đã day khôn cho các vị, khổ nỗi Bac HĐức có trí tuệ chính trị nhưng lại không có quyền, còn các vị có quyền lại không có trí tuệ chính trị.
VN mới có cái chén nhỏ trí tuệ IDS mà các vị lãnh đạo đã sợ vãi linh hồn thì làm sao có trí tuệ cao hơn được.
Hình như Ông Lê-nin nói : ngu xi + nhiệt tình = phá hoại. chuyện ngày 4-4 nằm trong mệnh đề này.

Nặc danh nói...

Nhà báo phân tích chí lý.Rất có thể các vị lãnh đạo mình cũng hiểu như thế.Hình như các nhà lãnh đạo hiện thời muốn tạo dựng trong lòng và con mắt người dân một sự e ngại,khiếp sợ hơn là sự khâm phục và yêu mến.(giống như dân mình đã từng dành mối thiện cảm,tiến tới khâm phục,tin yêu với Cụ Hồ và những vị cách mạng tiền bối).

Nặc danh nói...

Bài sâu sắc. Nhưng thế hóa ra đội ngũ cố vấn chính trị của Chính phủ kém à? Chắc không có ai giống cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đây mà, hehe

Nặc danh nói...

Huy Đức nói "Để tôn giáo trở thành một lực lượng chính trị thì hậu quả về lâu dài là không lường được."

Mình không thích ý này. Các nhóm lợi ít luôn tranh giành sự ảnh hưởng; đời là vậy. Giả sử tôn giáo muốn tranh giành quyền lực cũng là điều bình thường. Chỉ cần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật thì vấn đề các nhóm lợi ích lạm dụng quyền lực sẽ được giải quyết.

Nặc danh nói...

Giá như Cụ Hồ còn sống !

Nặc danh nói...

Tôi tâm đắc câu kết của Huy Đức: "Để tôn giáo trở thành một lực lượng chính trị thì hậu quả về lâu dài là không lường được".
Hiện nay nhiều sự kiện đang bị tôn giáo lợi dụng, với mưu đồ sâu xa, hiểm độc. Đáng tiếc, một số Bloger, thậm chí là một số trí thức đang vô tình nối dài ngọn giáo cho tôn giáo cực đoan, làm tổn hại lợi ích dân tộc và thanh danh chính họ. Điều này dễ nhận thấy trên Internet, kẻ lợi dụng tôn giáo, đằng sau là tôn giao đang nhảy vào mọi thứ, làm khuynh đảo các diễn đàn; làm bao nhiều người lầm tưởng ...
Thật đáng buồn thay, trắng đen lẫn lộn, thật giả khôn lường. Vậy nên làm người tri thức quả thật khó lắm thay!

Võ Quang Luân nói...

Quả là lâu lắm rồi mới được đọc một bài như vầy. Cảm ơn tác giả, cảm ơn blogNXD. Tư duy chính trị và trí tuệ chính trị, phạm trù này rất hay đây. Tiếc là chúng ta trong những năm gần đây chỉ chú trọng phát triển kinh tế bằng nguồn thu hút đầu tư nước ngoài.

Nặc danh nói...

H Đức trẻ tuổi mà viết được một bài về chính trị đọc khá hay, chỉ có điều ở đây bạn khuyến cáo bằng quá nhiều mệnh đề bắt đầu bằng từ...Nếu..quá !
Tôi cũng bắt trước bạn, rằng:...Nếu....
Vi chánh dĩ đức thí như Bắc-Thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi. Nghĩa là lấy đức làm chính trị thì ví như sao Bắc Đẩu giữa trời mà mọi ngôi sao khác chiếu chầu quanh nó.
Đức ở đây, Khổng Tử nói là tại minh minh đức, tại tân dân, tai chỉ ư chí thiện. Nghĩa là làm cho sáng cái đức sáng của mình, ở cái việc làm mới cho dân, đến cái chỗ cùng cực của điều Thiện-Rất Tốt, Rất Lành vậy.
Nếu các nhà chính trị đều Minh minh đức như vậy, thử hỏi dân đi kiện ai, kiện để làm gì, thắp nến để cầu nguyện gì...?
Hãy nghe Khổng Tử nói tiếp:
Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sĩ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách. Nghĩa là: Làm chính trị mà lấy hình khắc chỉ làm dân sợ mà không biết thẹn, còn lấy đức hạnh, lễ tiết trị dân, không những dân biết thẹn rồi trở nên tốt lành.
Nhưng sự thực người ta xử phạt thật nặng để mà răn, để hòng đe...
Nhưng xét cho cùng, mấy ai thấm nhuần đạo đức của Khổng Tử mà trị dân cho có bài có bản để dân phục, dân yêu
Chỉ nhìn hành vi mang 2 bao cao su dùng dở để bắt đầu một vụ án chính trị cho thấy tiểu nhân là ai rồi, nói chi đức hạnh người quân tử nữa, đừng nói nhà chính trị tử tế.
.........
Giai Không

Nặc danh nói...

Mỗi cá nhân cần niềm tin để sống. Mỗi gia đình cần niềm tin để vươn lên. Mỗi cộng đồng cần niềm tin để phát triển. Mỗi quốc gia cần niềm tin để phú cường. Cả nhân loại cần niềm tin để tồn tại. Một cá nhân đánh mất niềm tin là một mất mát nhỏ nhưng một cộng đồng hay dân tộc mất niềm tin và vấn dề hệ trọng. Hỡi những ai con Lạc cháu Hồng đã sắp đến ngày giỗ Tổ rồi đó. Đứng trước bàn thờ Tổ Quốc phải nói thế nào với Tổ Tiên đây?
Cháu Hùng Vương

Nguyễn Xuân Diện nói...

Kính gửi bác Giai Không, (11h21):
Xin bác nhận từ Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện một lạy!

Kính vậy thay!

Nặc danh nói...

Mình hổng dám đâu thưa TS, chẳng qua là:
Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri...
Nghĩa là:
Biết thì nói rằng biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vây (KT)
Đúng như tinh thần Thày đã truyền dạy thôi.
Kính cẩn
G-K

Nặc danh nói...

Tiểu sinh mạn phép được hỏi bác Giai Không. Vậy theo bác ở VN ta bây giờ lấy cái gì trị nhân đây?

HÙNG ĐẠI CA nói...

Bài của Huy Đức rất hay. Đáng đọc lắm.

Nặc danh nói...

Không phải bác GK nhưng xin mạn phép trả lời.

Giải pháp trị nhân ở VN đã có rồi, có điều có muốn làm hay không mà thôi

Rất đơn giản, đó là "Hãy quay lại với tư tưởng của cụ Hồ"

- Về nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
- Về hiến pháp: Hiến pháp 1946
- Về dân chủ: Hãy để dân được mở mồm
- Về lãnh đạo: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư
- Về quyền lực của nhân dân: Nếu chính phủ không tốt, dân có thể đuổi việc Chính phủ.
- Về dân tộc: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
- Về dùng người: Bất cả là ai miễn có tài có đức
- V.v.v.

Cứ làm đúng theo Cụ Hồ, Việt Nam chả lo gì không phát triển. Đừng có "miệng niệm Cụ Hồ, bụng bồ dao găm"

Nặc danh nói...

Câu hỏi của Tiểu Sinh (13:16)rằng bây giờ lấy gì để trị nhân đây...theo mình hiểu ý bạn lấy gì để trị quốc như chữ Khổng Tử chăng ?
Tiếp theo ý của Giai Không, mình xin như vầy:

Khi mở đầu sách Đại học, Người nói: Cách vật nhi hậu tri chí, tri chí nhi hậu ý thành, ý thành nhi hậu tâm chính, tâm chính nhi hậu thân tu, thân tu nhi hậu gia tề, gia tề nhi hậu quốc trị, quốc trị nhi hậu thiên hạ bình.
Nghĩa là: Sau khi thông hiểu nguyên lí vạn vật mới gọi là thấu triệt, sau khi thấu triệt thì ý mới chân thành, sau khi ý thành thì tâm tư mới đoan chính, sau khi tâm chính thì mới tu sửa được mình, sau khi tu thân mới làm gia tộc an định sau khi gia tộc an định mới sửa trị nước nhà tốt, sau khi nước nhà sửa trị tốt thì thiên hạ mới thái bình.
Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản. Nghĩa là: Từ đấng thiên tử đến người dân ai ai cũng phải lấy tu thân làm gốc
Sơ sơ nguyên lí làm người quân tử để có thể trở thành nhà chính trị như vậy, Người bắt buộc phải học, học đến khi nào hiểu thấu hết sự vật, con người đến Cách Vật thì mới chỉ là bắt đầu tiếp cận...
Ngày xưa, người đỗ trạng nguyên có thể cầm cờ, dẫn quân ra trận được ngay, bởi các kiến thức họ đã được học hết và tinh thông hết.

Còn một vài người học hành lem nhem, được ấn cho các loại bằng cấp, được đưa lên các cấp lãnh đạo nhờ những cơn gió rồi thử hỏi xung quanh ông hàng lô TS phụ tá, phỏng có ích gì cho trị quốc của quốc gia đây.

Nước ta từ xưa đến nay đâu có thiếu nhân tài, thiếu người tài đức, vấn đề là ở cách thức lựa chọn. Gần đây nghe nói những người tự ứng cử nghĩa là không phải do MT đề cử để ứng cử đều bị loại ngay từ Vòng gửi xe đạp, thì còn lí do gì để mà nói đến trị quốc, bình thiên hạ đây.
........
Lậu Hạng

Nặc danh nói...

Hoan hô ông Huy Đức cả 2 tay. Ông viết hay lắm, cảm ơn người đã gửi đường link này cho mọi người. Bài viết quá xuất sắc.

Nặc danh nói...

Phaỉ nói rằng tôi rất ghét cái bộ mặt dương dương tự dắc của ông CHHV .Ông ta suốt đời dc ăn ngon ,mặc đẹp là nhờ sự cống hiến của thế hệ trước .Đáng lẽ chúng ta đàng hoàng phải xử ông ta nhưng chúng ta vì quá yếu kém năng lực nên làm hỏng tất cả.Phải học Cụ Hồ lại một lần nữa để không cho người khác chọc vào cuộc sống đất nc ta

Nặc danh nói...

Thật tuyệt. Tôi mong sao những người lãnh đạo Nhà nước VN đọc và suy ngẫm những bài này; song lại e không biết liệu họ có đủ ... để thấu triệt nội dung và ý nghĩa các bài viết trên đây không???
Riêng tôi xin chắp tay bái lạy các nhà minh triết có nhiều bài hay đã giúp tôi động não.
Quý lắm thay.
QH

Nặc danh nói...

Chỉ nhìn hành vi mang 2 bao cao su dùng dở để bắt đầu một vụ án chính trị cho thấy tiểu nhân là ai rồi, nói chi đức hạnh người quân tử nữa, đừng nói nhà chính trị tử tế.
Quá hay

Người Nhắng nói...

Bộ mặt dương dương tự đắc của ông CHHV có ăn nhằm gì với bộ mặt của ông nặc danh 22:18 ? Ông mà làm quan toà thì...vãi, chỉ nên làm thày bói thôi ...

No comments:

Post a Comment