Thursday, April 7, 2011

07/04 Lobby: Không phải dùng tiền mua luật

Thứ Năm, 7/4/2011, 09:43 Chiều

Lobby: Không phải dùng tiền mua luật

Theo phapluattp.vn – 5 ngày trước
Nhà lobby có đạo đức là người đảm bảo hai phẩm chất: trung thực và liêm khiết. Bốn thành viên Nghị viện châu Âu (EP) vừa bị nêu đích danh trong một vụ bê bối “trả tiền lấy luật” đang được đăng tải trên trang nhất nhiều tờ báo ở khắp các nước EU.

Mặt trái của lobby?

Cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về sự việc là Sunday Times - tờ báo thuộc sở hữu của ông vua truyền thông Rupert Murdoch. Giữa lúc tâm lý hoài nghi về EU đang dâng lên ở châu Âu, Sunday Times nêu rõ tên cả bốn vị nghị sĩ dính vào bê bối: Pablo Zalba (Tây Ban Nha), Zoran Thaler (cựu Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia), Ernst Strasser (cựu Bộ trưởng Nội vụ Áo) và Adrian Severin (cựu Phó Thủ tướng Romania).

Các phóng viên điều tra của Sunday Times đã đóng giả làm người của một công ty lobby “ma” lấy tên là “Taylor Jones Public Affairs” và tìm cách gặp riêng 60 trên tổng số 736 thành viên Nghị viện châu Âu. 14 trong 60 nghị sĩ đã đồng ý gặp họ. Trong 14 người đó, bốn người (tương đương 6%) đã chấp nhận đề nghị của các nhà lobby giả trang là đề nghị thay đổi một vài điều luật về ngân hàng của EU, theo hướng không bảo vệ cho người tiêu dùng. Đổi lại, bốn nghị sĩ được hưởng một khoản gọi là phí tư vấn.

Ông Ernst Strasser, dù tuyên bố rằng mình không làm gì sai, đã từ chức để không làm tổn hại uy tín chính phủ Áo như lời ông nói. Ông cũng cho biết phải từ chức bởi vì “ở Áo đã nổi lên một chiến dịch chống lại tôi”. Lãnh đạo đảng của ông yêu cầu ông rút lui ngay lập tức khỏi mọi cương vị chính trị: “Mọi lời biện minh của Ernst Strasser cho đến lúc này hoàn toàn là vô nghĩa”.

Vụ bê bối khiến bộ phận dư luận sẵn có tâm lý ngờ vực đối với EU càng thêm ngờ vực. Sự phẫn nộ trút vào giới lobby (vận động chính sách). Có ý kiến cho rằng “Nghị viện EU toàn là những nhà lobby”. Ngày 21-3, tổ chức Spin Watch trực thuộc Liên minh Minh bạch Chính sách và Đạo đức Lobby (ALTER-EU) công bố một báo cáo nhằm vào Goldman Sachs. Tập đoàn tài chính hùng mạnh này bị lên án vì nhiều lãnh đạo của họ có quan hệ rất thân thiết với giới hoạch định chính sách ở Âu châu. Ví dụ cựu Chủ tịch Richard Sharp là người thân cận với Thủ tướng Anh George Osborne và là một trong những nhà cố vấn cho đảng bảo thủ về vấn đề cắt giảm chi tiêu ngân sách. Bên cạnh đó, Golman Sachs còn thân thiết cả với những think tank (*) nào có quan hệ gần gũi với chính phủ của đảng bảo thủ ở Anh. Ông Richard Sharp là thành viên quản trị của một think tank có tên là Trung tâm Nghiên cứu Chính sách.

Lobby: Không phải dùng tiền mua luật

Chân dung nghị sĩ Ernst Strasser (cựu Bộ trưởng Nội vụ Áo) và Adrian Severin (cựu Phó Thủ tướng Romania). Ảnh: INTERNET

Goldman Sachs từng thuê nhiều công ty lobby để giúp họ gây ảnh hưởng chính sách cả ở Anh lẫn EU. Tháng 10 năm ngoái, họ ký hợp đồng làm ăn với Công ty PR Hanover của một người từng là thư ký báo chí của cựu Thủ tướng John Major.

Nhiều người bắt đầu đặt vấn đề thắt chặt hơn hoạt động lobby. ALTER-EU kêu gọi bổ sung thêm nhiều điều luật mới, thậm chí ban hành cả luật cấm những hành vi lobby nào có thể dẫn đến xung đột về lợi ích giữa các nghị sĩ. Liên minh nhấn mạnh vụ bê bối “trả tiền lấy luật” càng làm rõ sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực của giới doanh nghiệp tham gia lobby vì giới này đã và đang thường xuyên ngăn cản những cải cách cần thiết trong các lĩnh vực chính sách xã hội, luật môi trường, luật bảo vệ người tiêu dùng: “Việc đầu tiên là nghị viện phải đảm bảo được rằng tất cả những người muốn tiến hành lobby để gây ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định của EU đều phải đăng ký và công bố thông tin đầy đủ chi tiết về việc họ lobby cho ai, lấy kinh phí từ đâu và tên tuổi các nhà lobby. Hiện tại, bản đăng ký nghề nghiệp không cung cấp những thông tin này và cũng không bắt buộc các nhà lobby phải tiết lộ thông tin”.

Minh bạch để chống tham nhũng chính sách

Mặc dù có những bê bối, xu hướng chung vẫn là đề nghị điều chỉnh để tăng cường sự minh bạch của hoạt động lobby hay nói cách khác là thắt chặt hơn chứ không phải bác bỏ nó. Nghề lobby được phương Tây thừa nhận đã có từ thế kỷ 19. Lobby tức là vận động nhằm gây ảnh hưởng lên các quyết định của cơ quan lập pháp hoặc quan chức chính phủ. Việc lobby trực tiếp hoặc gián tiếp đối với những nhà làm chính sách là việc phổ biến và được coi là “biểu hiện của một nền dân chủ đa nguyên lành mạnh”, như một học giả tên là Philip Parvin từng viết trong một nghiên cứu năm 2007 của ông về lobby và dân chủ.

Hiện tại, EU phân loại và xác nhận giới lobby bao gồm những thành phần sau: công ty tư vấn, công ty luật, hội nghề nghiệp, hiệp hội ngành hàng, tổ chức phi chính phủ, tổ chức thiện nguyện, think tank và các nhà vận động hành lang.

Minh bạch thông tin và đạo đức của nghề lobby là hai vấn đề mấu chốt và gây tranh cãi nhất xoay quanh tính hợp lệ, hợp pháp của nghề này. Về căn bản, nhà lobby có đạo đức là người đảm bảo hai phẩm chất: trung thực và liêm khiết. Tại một quốc gia mà hoạt động lobby rất phát triển là nước Mỹ, năm 2006, Thượng viện đã thông qua một đạo luật kiểm soát nghề lobby. Luật này cấm những người lobby không được biếu, tặng quà cho các nghị sĩ, thậm chí không được mời họ đi ăn; buộc người lobby phải thường xuyên giải trình chi tiết hoạt động của họ, đăng trên công báo.

Tại Việt Nam, bàn về các vấn đề liên quan tới lobby và chính sách, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc ĐH Quốc gia, cho rằng: “Quá trình hoạch định vĩ mô là một quá trình chịu ảnh hưởng từ rất nhiều các tổ chức khác nhau thông qua hoạt động lobby - đó là điều bình thường trong mọi xã hội dân chủ”. Để hạn chế mặt tiêu cực của nó (gây chia rẽ, xung đột lợi ích hoặc lạm dụng lobby để đạt mục đích có hại cho cộng đồng) thì lại càng cần… lobby, truyền thông chính trị, thảo luận chính sách nhiều hơn, miễn là phải minh bạch - ông Minh nhận định.

Căn cứ vào những định nghĩa chung của một số nước trên thế giới thì các kiến nghị, tác động của nhiều hiệp hội, tổ chức đến các bộ, ngành, quan chức nhà nước nhằm tạo sự thay đổi về chính sách thời gian qua ở Việt Nam đều có thể được gọi là lobby. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế hay bất cứ một luật nào đối với hoạt động này. Cho đến nay, lobby ở Việt Nam thuần tuý là sử dụng quan hệ cá nhân một cách không minh bạch. Một số chuyên gia cho rằng nếu không sớm luật hoá hoạt động lobby, rất có thể khái niệm “lobby” rồi sẽ bị công luận đánh đồng với những việc làm khuất tất, tiêu cực, “đi cửa sau”, mà như vậy thì oan cho lobby quá.

HOÀNG THƯ

----------------------

(*) Think tank: Tên gọi một loại hình tổ chức tập hợp các chuyên viên nhiều chuyên ngành nhằm nghiên cứu các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao… cuối cùng đưa ra các lý thuyết, sách lược, ý tưởng, giải pháp... có tính chất tư vấn hiến kế cho tầng lớp lãnh đạo quốc gia.

(Theo Internet)

No comments:

Post a Comment