Wednesday, March 30, 2011

25/03 Quyết định trong nước sôi lửa bỏng by Pham Duy Hien

Ngày 25.03.2011, 09:11 (GMT+7)

Nhật ký Fukushima

Quyết định trong nước sôi lửa bỏng

SGTT.VN - Sáng thứ tư 23.3, khói xám lại bốc lên từ nhà lò số 2, không rõ nguyên nhân. Liều phóng xạ trong nhà máy đã lên đến 500mSv/h, cao nhất trong những ngày qua. Kỹ thuật viên phải rút ra khỏi hiện trường. Bên ngoài, hàm lượng I-131 trong nước máy Tokyo đã lên gấp đôi mức cho phép đối với trẻ em và hai phần ba mức đối với người lớn.

Nước sạch được phân phát tại các nhà trẻ Tokyo sau cảnh báo mức độ nhiễm xạ trong nguồn nước máy tại thủ đô Nhật Bản gây ảnh hưởng đối với trẻ nhỏ. Ảnh: Reuters

Biến chuyển từng giờ

Trước ngày thứ tư 23.3, phòng điều khiển lò phản ứng (LPU) số 3, khâu xung yếu nhất hiện nay (xem Nhật ký kỳ 3), đã có điện và ánh sáng. Nhưng kỹ thuật viên vẫn chưa vào được nơi này vì phải đợi máy điều hòa không khí hút bớt phóng xạ ra ngoài. Nỗ lực tưới nước biển làm nguội LPU và các bể chứa nhiên liệu trong mấy ngày qua tỏ ra có hiệu quả. Những thông báo chính thức cho thấy hình như các LPU đang trong tầm kiểm soát. Bên ngoài, phóng xạ đang lan rộng. Iốt phóng xạ (I-131) trong nước biển gần nhà máy đã tăng lên 126 lần mức cho phép, xêsi phóng xạ (Cs-137, Cs-134) tăng lên 20 lần. Đại diện TEPCO trấn an công chúng bằng cách quả quyết rằng nếu uống nước biển này cả năm, mỗi người chỉ nhận thêm 1 miliSivơ (mSv), còn thấp hơn liều chiếu xạ từ các nguồn tự nhiên. Hầu hết các loại rau đã bị nhiễm phóng xạ. Lệnh cấm bán rau và sữa đã lan ra cả bốn quận xung quanh nhà máy.

Nhưng đến sáng thứ tư 23.3, khói xám lại bốc lên từ nhà lò số 2, không rõ nguyên nhân. Liều phóng xạ trong nhà máy đã lên đến 500 mSv/giờ, cao nhất trong những ngày qua. Kỹ thuật viên phải rút ra khỏi hiện trường. Bên ngoài, hàm lượng I-131 trong nước máy Tokyo đã lên gấp đôi mức cho phép đối với trẻ em và hai phần ba mức đối với người lớn. Có thể do mấy trận mưa vừa qua đã cuốn các bụi phóng xạ xuống nhà máy nước thành phố. Iốt phóng xạ có thể gây ung thư tuyến giáp, trẻ em rất nhạy. Nước chai khan hiếm trong các cửa hiệu, người ta tìm cách mua tích trữ. Chưa ai lường trước hàm lượng iốt trong nước máy Tokyo trong mấy ngày tới sẽ diễn biến ra sao. Có thể tăng lên, nhưng cũng có thể giảm đi, tùy thuộc rất nhiều vào thời tiết trong vùng.

Đáng quan ngại hơn có lẽ là hàm lượng Cs-137 rất cao trong các mẫu rau, gấp 160 lần mức cho phép. Đã có Cs-137, ắt phải có nhiều sản phẩm phân hạch khác, có thể còn độc hại hơn xêsi. Lớp đất bề mặt, thảm thực vật và nước biển là nơi cư ngụ đầu tiên của chúng. Rơi xuống biển, bụi phóng xạ sẽ được phát tán và pha loãng khá nhanh trong bể cả mênh mông. Nhưng rơi xuống đất, Cs-137 sẽ gắn kết ngay vào các hạt sét và mùn hữu cơ rồi nằm yên tại chỗ. Theo thời gian, chúng sẽ khuyếch tán dần xuống sâu hơn, nhưng thường không quá 20 -30 cm. Được hút lên trong rau cỏ và ngũ cốc, chúng sẽ theo chuỗi thức ăn (food chain) thâm nhập vào người.

Hôm qua 24.3, ba công nhân tham gia khắc phục sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đã bị nhiễm phóng xạ liều cao, hai trong số đó phải nhập viện khẩn cấp. Ảnh: A.P

Mỗi chất phóng xạ có một chu kỳ bán rã nhất định, sau thời gian này lượng phóng xạ chỉ còn một nửa. Chu kỳ bán rã của I-131 là 8 ngày, Cs-137 là 30 năm. Nhiều chất phóng xạ khác cũng sống rất lâu. Cho nên một lãnh đạo ngành năng lượng hạt nhân Pháp đã cảnh báo khó khăn ở Nhật sẽ còn kéo dài hàng thập kỷ. IAEA không còn tuyên bố lạc quan như mấy ngày trước. Họ phàn nàn phía Nhật không cung cấp đủ thông tin như đã hứa nên không xác định được việc gì đã xảy ra.

Có lẽ trong lúc tang gia bối rối, ta không nên trách chủ nhà đã không dành thì giờ mô tả chi tiết vì sao người thân đã chết. Vả lại người Nhật có quyền không chia sẻ những thông tin nhạy cảm. Bởi hơn ai hết, họ biết phải làm gì. Nước Nhật có một đội ngũ chuyên gia hạt nhân tài giỏi và từng trải hơn là những người làm việc bàn giấy ở nơi khác. Cho đến lúc này, mục tiêu trước mắt của TEPCO vẫn là đưa điện đến các thiết bị, vừa để bơm nước tiếp tục làm nguội LPU, vừa để có thể tiếp cận vào bên trong nhà máy, thay thế những bộ phận hư hỏng, đặc biệt là các máy đo hiện trường, qua đó thu thập đủ thông tin để đánh giá đúng hiện trạng và tính các bước đi tiếp theo. Trong số các bước đi này họ chuẩn bị cả phương án chôn vĩnh viễn một số LPU, như người Nga đã làm ở Chernobyl 25 năm về trước. Biết tin này, có người tán thành làm ngay, có người bàn lùi.

Nhưng thời gian dường như không chờ những suy tính trong đầu người Nhật. Thủ tướng Kan ngày một hốc hác khi đứng trước ống kính truyền hình trong trang phục ứng phó sự cố. Nếu không sớm ra quyết định, hoặc không có những giải pháp hữu hiệu khác, chất phóng xạ sẽ lan rất nhanh ra môi trường gây ô nhiễm ngày càng rộng, trong khi chốc chốc các đám khói lại bốc lên từ các LPU, tung thêm phóng xạ ra môi trường. Nhưng liệu các chuyên gia tài giỏi của Nhật có chịu nổi các loại áp lực khi đưa ra quyết định không?

Có nên đánh đổi an toàn lấy lợi nhuận?

Cảnh đổ vỡ bên trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, tại khu vực lò phản ứng số 1 và 2 kế cận nhau. Ảnh: A.P

Khi quyết định phun nước biển vào làm nguội lõi lò trước đây, TEPCO đã gần như khai tử LPU để đổi lấy hy vọng tránh tai nạn lõi lò bị tan chảy. Quyết định cho khí thoát ra bên ngoài sau đó giúp giảm áp lực trong nhà lò và liều chiếu lên kỹ thuật viên, nhưng môi trường phải bị ô nhiễm. Người dân thiệt hại đã đành, khoản tiền mà TEPCO phải bồi thường cho hoa màu của nông dân sẽ ngày càng lớn.

Hai ngày sau sự cố, cổ phiếu TEPCO trên thị trường chứng khoán đã rớt 45%. Thiệt hại tài chính của TEPCO sẽ rất lớn trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn nhà máy, chưa kể khoản đầu tư để làm việc này và khắc phục sự cố nói chung. Chính phủ vừa công bố cho TEPCO vay trước hàng tỷ đô la để khác phục sự cố. Song liệu trong những quyết định sắp đến, TEPCO có chịu hy sinh lợi ích tài chính để đổi lấy sự an toàn lâu dài cho người dân không? Trong các thông báo của mình, TEPCO vẫn tính đến khôi phục lại hoạt động của các LPU đã bị tàn phế, một toan tính xem ra rất mạo hiểm.

Đánh đổi an toàn để lấy lợi nhuận là vấn nạn của điện hạt nhân, mối lo thường trực của những ai có lòng đối với sự nghiệp này. Trong khi những kỹ thuật viên hy sinh xông vào nơi phóng xạ như những anh hùng cứu nước mà lại lôi chuyện TEPCO ra đây thật chẳng phải tý nào. Nhưng còn dịp nào thích hợp hơn? Năm 2002, TEPCO đã ngụy tạo kết quả thanh tra để không sửa chữa ngay đường ống tải nhiệt vòng ngoài khiến tai nạn nổ hơi nước xảy ra gây chết người. Theo tính toán của họ, thiệt hại sẽ quá lớn nếu dừng lò lại giữa chừng, chi bằng đợi đến lúc dừng lò định kỳ rồi sửa luôn. Chao ôi, kiểu tư duy này trong ngành hạt nhân phổ biến lắm! Sau sự cố này, cả 17 LPU của họ phải đóng cửa để thanh tra, dân chúng mất lòng tin vào điện hạt nhân, chủ tịch tập đoàn từ chức.

Ngược về trước nữa là cách họ nhét sáu lò phản ứng vào một khu đất chật hẹp để giảm đầu tư và chi phí vận hành. Hậu quả là trên một diện tích quá bé có đến 12 nguồn phóng xạ cực mạnh, 6 LPU và 6 bể chứa nhiên liệu nằm sát nhau. Khi động đất và sóng thần ập đến, cả sáu đều bị hư hại bởi những tác động bên ngoài như nhau. Khi ứng phó sự cố, họ không đủ nhân vật lực để lo cho tất cả. Tập trung cho nơi này thì bỏ mặc cho tai nạn bùng lên ở nơi khác.

Các tập đoàn Nhật vận động xây dựng điện hạt nhân ở nước ta xem đây là một kinh nghiệm quý cần phải giới thiệu cho khách hàng. Một quan chức nước ta sau khi được Nhật mời tham quan về đã đề nghị dồn các lò phản ứng dự định xây ở Ninh Thuận lại cho đỡ tốn đất. Vị này không có mác hạt nhân, nhưng biết đâu lại chẳng có tiếng nói nhất định khi nhà nước ra các quyết sách. Khi nghe phát biểu này tôi thấy choáng, nhưng vì mình chỉ được mời dự thính cuộc họp, nên phải ngồi yên.

Còn rất nhiều loại đánh đổi khác khi phải ra quyết định về điện hạt nhân. Nhưng “Nhật ký” đã quá dài, phải tạm chấm dứt chuyện này tại đây.

GS PHẠM DUY HIỂN

No comments:

Post a Comment