Thursday, April 14, 2011

14/04 Bình luận: Ảnh hưởng của sự cố hạt nhân và các biện pháp đề phòng thảm họa trong tương lai

Trong mục bình luận hôm nay, 14/4, chúng tôi phỏng vấn bà Shuto Yuki, Viện trưởng Viện nghiên cứu An toàn Xã hội. Bà chuyên nghiên cứu về các biện pháp đề phòng thiên tai, cũng như tâm lý và hành động của con người trong thời điểm có thảm họa xảy ra. Bà Shuto sẽ nói về những ảnh hưởng của sự số tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, và những biện pháp đề phòng thảm họa trong tương lai.

Đài Phát thanh Nhật Bản:
Trước hết, xin bà cho biết sự cố hạt nhân ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân địa phương?

Bà Shuto Yuki:
Lần này chúng ta bị trận động đất lớn, sau đó lại xảy ra sóng thần, gây ra sự cố hạt nhân. Chúng ta gặp phải nhiều thảm họa lớn chưa từng có, xảy ra cùng một lúc. Và ngay cả những vùng bên ngoài khu vực, nơi mà người dân được lệnh sơ tán hay ở trong nhà, một số cửa hàng buộc phải đóng cửa, vì do phóng xạ thải ra từ sự cố hạt nhân, nên hàng cung cấp không thể đến được. Người ta gọi đây là thảm họa thứ 4, do tin đồn loan ra. Ngoài ra, một số nông sản bị cấm bán ra thị trường do nhiễm phóng xạ thải ra từ nhà máy điện này, điều này cũng gây thiệt hại về kinh tế. Tỉnh Fukushima bị thiệt hại vì thảm họa thứ 5 này.

Đài Phát thanh Nhật Bản:
Tuần này, Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản nâng mức độ nghiêm trọng của sự cố hạt nhân lên cấp 7, tức là cấp nghiêm trọng nhất. Cho đến nay, bà có nghĩ đến biện pháp để đề phòng thảm họa hay không?

Bà Shuto Yuki:
Bản thân tôi là một thành viên trong một ủy ban của chính phủ. Ủy ban này chuyên thảo luận các kế hoạch và thực hiện các biện pháp đề phòng sự cố hạt nhân. Hệ thống đề phòng sự cố hạt nhân này, kêu gọi sự hợp tác giữa chính phủ trung ương, các chính quyền địa phương và khu vực tư nhân trong tình huống khẩn cấp. Những cơ quan hữu quan cũng nên hợp tác để chia sẻ tin tức, nhằm có được những quyết định tốt nhất.

Trước đây chúng tôi đã soạn những kế hoạch và tổ chức thực tập, nhưng trong thực tế, hệ thống này không phải lúc nào cũng hoạt động hiệu quả. Tôi nghĩ, lý do chính của sự thất bại này, là chúng ta không tiên liệu được các thảm họa lớn như động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân lại xảy ra cùng một lúc như thế.

Đài phát thanh Nhật Bản:
Theo bà, việc tái thiết sau này nên được tiến hành như thế nào?

Bà Shuto Yuki:
Về việc tái thiết vùng bị thảm họa, người ta thường có xu hướng chung là khôi phục những vùng này càng sớm càng tốt. Nhưng trong tiến trình tái thiết, việc càng sớm càng tốt không phải lúc nào cũng hay. Đôi khi làm chậm và chắc cũng rất tốt. Vì thế tôi nghĩ rằng, điều quan trọng đối với những người bị ảnh hưởng, là nên thảo luận kỹ cách tái thiết khu vực của họ; Suy nghĩ kỹ về những gì nên làm hiện nay để khu vực đó sẽ có một tương lai tốt hơn, đồng thời tiến hành việc tái thiết từng bước một.

Đài Phát thanh Nhật Bản:
Xin cảm ơn bà.

No comments:

Post a Comment