Wednesday, March 23, 2011

18/03 Bạn phù hợp với ngành nghề nào nhất?

18/03/2011 10:00:36 AM

ICTnews - Thời điểm nộp hồ sơ vào ĐH đã bắt đầu và lúc này vẫn có khá nhiều thí sinh lúng túng với việc chọn ngành, chọn trường. Chúng tôi giới thiệu đến các bạn hai loại trắc nghiệm được dùng để tìm ra nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Phương pháp trắc nghiệm MBTI


Được đồng sáng tạo bởi Katharine Cook Briggs và con gái Isabel Briggs Myers, MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) làmột trong những hình thức trắc nghiệm phổ biến và đáng tin cậy nhất từ 50 năm trước trong việc phân biệt những dạng tích cách thông thường, từ đó hỗ trợ người tham gia khám phá bản thân, đưa ra được những điểm mạnh, điểm yếu và những lựa chọn nghề nghiệp. Việc hiểu được sự đa dạng của các dạng tính cách cá nhân khác nhau sẽ giúp nhận ra và đánh giá đúng các điểm mạnh, điểm yếu của từng người, nhờ đó trả lời được câu hỏi tại sao tất cả mọi người không ai giống ai.

Bài trắc nghiệm bao gồm 40 câu hỏi, trả lời trong khoảng 5 - 10 phút, mỗi câu có 2 đáp án lựa chọn. Có những câu khó trả lời, tuy nhiên bạn cần chọn một đáp án đúng hơn với bạn để đưa ra một cách định lượng tính cách của bạn một cách chính xác nhất. Có bốn tiêu chí phân loại tính cách MBTI đưa ra đó là: Xu hướng tự nhiên (suy nghĩ) của người đó - hướng nội/hướng ngoại. Cách thức mà người đó tìm hiểu và nhận thức (cảm xúc) đối với thế giới bên ngoài- trực giác/giác quan. Cách thức mà người đó quyết định, đưa ra lựa chọn: lý trí/tình cảm. Và cuối cùng là cách thức hành động: nguyên tắc/linh hoạt. Từ 4 tiêu chí này, Briggs và Myer đưa ra 16 nhóm tính cách đại diện cho các tiêu chuẩn phân loại.

Kết quả trắc nghiệm sẽ cho biết bạn thuộc nhóm tính cách nào và những đặc điểm chính của nhóm tính cách đó cùng một vài gợi ý về nghề nghiệp thích hợp.


Phương pháp trắc nghiệm Holland


John L.Holland (1919 – 2008) là tiến sỹ tâm lý học người Mỹ. Holland nổi tiếng nhất và biết đến rộng rãi nhất qua nghiên cứu lý thuyết lựa chọn nghề nghiệp. Lý thuyết đó chia con người ra 6 loại cá tính và thường được viết tắt là RIASEC và được gọi là Mã Holland (Holland codes). Trên cơ sở này, John Holland đã xây dựng một bộ test dành cho người muốn tự tìm hiểu mình. Qua nhiều năm phát triển, bộ trắc nghiệm này giúp cho người ta tự phát hiện được các kiểu người trội nhất đang tiềm ẩn trong con người mình để tự định hướng khi lựa chọn nghề

Hiện nay ở Mỹ, châu Âu và châu Á, rất nhiều trường đại học đã sử dụng công trình của John Holland để xây dựng bộ kiểm tra cho học sinh quan tâm đến trường mình và cho sinh viên tìm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Có trường còn kết hợp với các công ty và tổ chức giới thiệu việc làm để cho biết ở đâu đang cần nghề nào và làm nghề đó có thể thu nhập khoảng bao nhiêu tiền trong một năm.

Luận cứ của Holland nêu rằng: Hầu hết mọi người thuộc một trong 6 nhóm tính cách: Kỹ thuật, Nghiên cứu, Nghệ thuật, Xã hội, Mạnh bạo và Tổ chức. Theo đó, có 6 môi trường hoạt động ứng đúng với 6 kiểu tính cách trên. Mọi người thuộc cùng một nhóm sẽ có xu hướng “hội tụ” lại với nhau. Ví dụ: Người Nghệ thuật sẽ bị hấp dẫn, lôi cuốn và muốn kết bạn và làm việc cùng những người thuộc cùng nhóm Nghệ thuật. Và đặc biệt, nếu bạn làm việc chung với những người có cùng nhóm tính cách với bạn, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn. Những người cùng nhóm sẽ làm việc cùng nhau và tạo dựng môi trường làm việc phù hợp với họ.


Sự khác biệt giữa 2 phương pháp

Điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại trắc nghiệm này là việc người sử dụng phương pháp của John Holland có thể tra cứu ngược trở lại từ các ngành nghề quan tâm đến các tích cách để biết được liệu mình có phù hợp với ngành nghề đó hay không. Điều này đảm bảo cho việc các bạn học sinh sẽ nhận biết được liệu ngành nghề mình yêu thích, ngành nghề bố mẹ định hướng có phù hợp với bản thân và có phải là ngành nghề có thể phát triển tối ưu trong tương lai hay không? Từ đó đưa ra quyết định đúng đắn, khách quan hơn.

Phương pháp trắc nghiệm của John Holland hiện nay đã được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các bạn có thể làm thử trắc nghiệm của John Holland bản Việt hóa khi tham dự chương trình Tư vấn hướng nghiệp – Tuyển sinh “ Tiên Hướng Nghiệp – Hậu hướng trường” do Báo SGGP tổ chức, công ty VNG đồng hành tại đây , hoặc tham khảo, hỏi thêm thông tin về chương trình này trên blog tại Zing Me.

N.M

No comments:

Post a Comment