Monday, June 6, 2011

06/06 Groupon kiếm bộn tiền nhờ Internet

06/06/2011 08:00:59 AM
1a.jpg
Dịch vụ mới Groupon Now chỉ có hai lựa chọn đơn giản “tôi đói” và “tôi buồn”.



ICTnews - Chỉ hơn 2 năm, Groupon đã phát triển từ một công ty “chưa có gì” thành một “hiện tượng Internet”. Bởi vậy, thật khó để ngăn cản trào lưu “nhà nhà làm Groupon”.

Doanh thu tăng vọt

Andrew Mason, Tổng giám đốc hãng mua sắm Groupon - đang thu hút rất nhiều sự chú ý vào thời điểm này. Bởi chỉ trong khoảng thời gian hơn 2 năm, Mason đã điều hành Groupon để trở thành công ty phát triển nhanh nhất mọi thời đại, với mức doanh thu dự đoán có thể đạt 3-4 tỷ USD năm nay, tăng từ mức 750 triệu USD năm 2010.
Groupon có giá trị 1,4 tỷ USD vào tháng 4/2010, và đã được rót nguồn vốn đầu tư 3 tỷ USD vào tháng 11/2010. Công ty vừa tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào ngày 2/6 vừa qua.
Mô hình kinh doanh của Groupon là gửi email hàng ngày về các chương trình chiết khấu, khuyến mãi trên tất cả mọi dịch vụ, từ nhà hàng đến dịch vụ làm đẹp trong thành phố. Khách hàng mua phiếu giảm giá qua Groupon, và công ty hưởng 40-50% doanh thu từ phiếu giảm giá đó.

Từ khi bắt đầu, Groupon luôn hướng tới một điều, đó là sự thú vị. Công ty đã thuê 70 nhà văn hài, dẫn đầu bởi Aaron With, một người bạn lâu năm của Mason. Họ luôn gửi đi những email mang lại sự thư giãn, buồn cười cho người nhận.

Nhờ đó, doanh thu Groupon ngày càng tăng, Google từng có tham vọng về thị trường quảng cáo địa phương và đã đàm phán mua lại Groupon với giá 6 tỷ USD, song họ đã thất bại, một phần vì doanh thu của Groupon đang phát triển nhanh đến nỗi các nhà đầu tư của Groupon tin rằng mức giá 6 tỷ USD là quá thấp.

Khi các cuộc đàm phán với Google bắt đầu, doanh thu hàng tháng của Groupon là 70 triệu USD. Sau đó 4-5 tháng, doanh thu đã là 200 triệu USD/tháng.

Sau khi từ chối Google, Groupon được rót khoản vốn 950 triệu USD từ quỹ đầu tư Kleiner Perkins Caufield & Byers, Andreessen Horowitz, và các công ty đầu tư khác. Có thể nói, một nguyên nhân thành công nhanh chóng của Groupon là đã ra đời đúng vào kỷ nguyên của Facebook và iPhone - rất dễ dàng quảng cáo, chia sẻ các chương trình khuyến mãi, chiết khấu cho bạn bè, người thân.

Đối phó với loạt công ty kiểu Groupon

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều công ty kiểu Groupon, từ những hãng mới lập như LivingSocial, Tippr, Bloomspot, Scoutmob, và BuyWithMe, đến những công ty Internet đã nổi danh như Yelp, OpenTable, Google, Facebook, Yahoo! (YHOO), và Microsoft (MSFT). Tất cả đều khai thác một điểm yếu rất dễ thấy của mô hình Groupon: đó là một kiểu kinh doanh rất dễ làm nhái. Công nghệ không quá phức tạp; tất cả những gì cần thiết nhất là một đội ngũ các nhân viên bán hàng liên lạc với càng nhiều cơ sở nhà hàng, kinh doanh càng tốt.

Vì vậy, vấn đề của Groupon hiện nay là đối phó với hàng loạt công ty sao chép dịch vụ của hãng. Đối thủ đáng gờm nhất là LivingSocial, một công ty có trụ sở tại Washington, thành lập trước Groupon 1 năm. LivingSocial đã bắt đầu phát triển các ứng dụng dùng trên Facebook. Tháng 12 vừa qua, công ty đã nhận được khoản đầu tư 175 triệu USD của Amazon và đang hoàn thành thủ tục đầu tư thêm 300-400 triệu USD của các quỹ đầu tư

Còn một mối lo ngại lớn khác về mô hình kinh doanh này, đó là khách hàng thường mua phiếu giảm giá và sử dụng chúng, nhưng sau đó họ hầu như ít khi quay lại sử dụng dịch vụ, nhà hàng đó. Mặc dù phiếu giảm giá mang lại nguồn tiền mặt nhanh chóng cho các hãng kinh doanh, nhưng cuối cùng không mang lại nhiều lợi nhuận. Ngay cả những công ty hợp tác với Groupon cũng có tâm lý rất mâu thuẫn. “Nhiều người chỉ đến để sử dụng phiếu giảm giá, và rất ít người trong số họ trở thành khách hàng thường xuyên”, chủ nhà hàng Filippo Caffarr nói.

Vào một buổi sáng lạnh lẽo ở Chicago, Andrew Mason đứng trên một góc phố ngoài văn phòng công ty, thuyết trình về một trong những mối quan tâm gần như hàng đầu của mọi người, đó là ăn trưa tại đâu.

Mason mở iPhone ra và đăng nhập vào một dịch vụ mới, Groupon Now, trình diễn cho mọi người 2 nút đơn giản: "I'm Hungry" và "I'm Bored." (tôi đói và tôi buồn).

Mới chỉ 11 giờ sáng, Mason bấm vào nút “đói”, điện thoại của anh nhanh chóng chuyển đến các máy chủ của Groupon và sau đó hiện ra danh sách các nhà hàng ở gần đang có chương trình khuyến mãi. Nhà hàng châu Á Thalia Spice đang tham gia chương trình Groupon Now, bán suất ăn 20 USD với giá 12 USD. Nhà hàng Spot Café đang bán suất ăn 10 USD với giá 6 USD.

Mỗi nhà hàng đều chỉ chọn một khung giờ nhất định vào một ngày nhất định để bán với giá khuyến mãi. Mason đã chọn cho mình một bữa ăn tiết kiệm tại nhà hàng Thalie Spice. “Tất cả mọi người đều có thể nắm bắt thông tin và tìm nơi ăn phù hợp với Groupon”, anh nói.

d1.jpg
Andrew Mason, CEO 30 tuổi của Groupon.
Groupon 2.0 sẽ khó nhái hơn?

Dịch vụ Groupon Now chính là nỗ lực của Mason để xây dựng một cái gì đó khó bị copy hơn. Mason không chỉ muốn thay đổi thời gian ăn của mọi người, mà còn muốn “nhúng” Groupon sâu hơn vào đời sống hàng ngày của người tiêu dùng và các nhà hàng. “Chúng tôi muốn mọi người nghĩ về Groupon mỗi lần họ bước chân ra cửa”, anh nói.
Harry Weller, một nhà đầu tư của Groupon và là người đã thuyết phục Mason đơn giản hóa giao diện Groupon Now xuống từ hàng chục lựa chọn, còn hai lựa chọn “đói” và “buồn”, nói: “Groupon Now sẽ khiến thị trường tìm kiếm của Google trở nên nhỏ hẹp. Nó thực sự là phần lớn nhất của thương mại điện tử tại Mỹ”.

Groupon Now khác khá nhiều với các dịch vụ mua chung ban đầu – Mason và các đồng nghiệp của anh gọi đó là Groupon 1.0. Chẳng hạn, các email hàng ngày gửi đến người tiêu dùng thường là một lời mời mọi người làm một cái gì đó mà họ có thể chưa có nhu cầu – như ăn tối tại một nhà hàng mới, hay phiếu tập bơi, làm đẹp.

Tuy nhiên, Groupon Now “là củ cà rốt hướng dẫn họ rẽ trái hay rẽ phải”, Mason nói. Không giống như thời của Groupon 1.0, Groupon Now hoạt động theo thời gian thực. Và thay vì nhận các chương trình khuyến mãi qua email, người dùng sẽ nhìn thấy các chương trình này khi họ đăng nhập địa điểm vào website Groupon hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Piece Brewery & Pizzeria, một hãng bánh pizza ở Chicago, đã nhận được mấy cuộc gọi của các nhân viên Groupon. Họ vẫn thường xuyên gọi điện đến nhà hàng để mời hợp tác. Tuy nhiên, Bill Jacobs, ông chủ nơi đây luôn luôn từ chối. “Chúng tôi rất bận”, ông nói. “Và thực sự chẳng có lợi ích gì cho chúng tôi khi tham gia với Groupon cả”.

Song đầu năm nay, đích thân Andrew Mason đã gọi cho Jacobs để nói về Groupon Now. Và nhà hàng đã đồng ý tham gia - dịch vụ này có thể giúp ông thu hút khách hàng đến vào những giờ thấp điểm. Jabos nói ông chuẩn bị sử dụng Groupon Now để bán phiếu giảm giá 20 USD cho món hàng trị giá 30 USD, và chương trình này chỉ áp dụng vào thứ Ba, Tư và Năm từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, khoảng thời gian vắng khách của những ngày giữa tuần.
“Chúng tôi có thể chạy chương trình một thời gian, có thể thay đổi chương trình, thời gian”, Jacobs nói. “Dịch vụ mới có lợi cho chúng tôi”.

Mason đã hình dung ra tất cả các trường hợp có thể sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn một shop spa có thể lập tức đăng chương trình giảm giá, khuyến mãi vì một khách hàng đã đặt trước nào đó bỗng nhiên hủy bỏ vào phút cuối, khiến một nhân viên matxa nào đó rỗi việc trong một giờ.

 Với các doanh nghiệp, chương trình khuyến mãi hàng ngày như một thứ thuốc đánh răng, và Groupon Now như một loại thuốc đánh bóng răng. Nó giúp cho mọi thứ của doanh nghiệp luôn hoạt động và không có khoảng trống”, Mason nói.
Và Groupon nhận về kha khá cho chức năng nha sỹ này, ban đầu, công ty sẽ thu khoản hoa hồng ít nhất 40-50. Trong một bức thư gửi nội bộ nhân viên, Mason kỳ vọng dịch vụ mới sẽ mang lại doanh thu 1 tỷ USD cho công ty trong năm 2011.
Tuy nhiên, thế giới có thể không yêu thích dịch vụ mới như Mason hy vọng. Người tiêu dùng có thể thấy Groupon Now không hấp dẫn - vì các chương trình khuyến mãi diễn ra vào khung giờ thấp điểm – tức là ít người có thể đi ăn. Còn đối với các doanh nghiệp, Groupon Now yêu cầu họ quảng bá về chương trình khuyến mãi trên website hoặc ứng dụng smartphone, sau đó đợi khách hàng tìm đến. Để tạo điều kiện cho các đối tác, Groupon bắt đầu cung cấp smartphone miễn phí cài sẵn ứng dụng cho các nhà hàng.

Hơn nữa, chưa thể chắc chắn Groupon Now có khó sao chép hay không. Groupon Now có thể tiên tiến hơn về mặt công nghệ so với việc gửi email hàng ngày, nhưng nó cũng không thể ngăn 100% các công ty khác đưa ra những dịch vụ thời gian thực cạnh tranh.

Gần đây, LivingSocial cũng bắt đầu thử nghiệm dự án thời gian thực riêng của hãng, có tên là LivingSocial Instant. Những hãng mới nổi như Foursquare và Loopt cũng hy vọng sẽ nhảy vào sân chơi. Và đáng lo ngại nhất là Facebook, vừa công bố kế hoạch sẽ thu thập những chương trình khuyến mãi hàng ngày của các đối thủ Groupon và hiển thị tất cả chúng lên Facebook.

Mạnh Hùng
Tổng hợp
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 67 ra ngày 06/6/2011

No comments:

Post a Comment