Tuesday, July 5, 2011

Cuộc chiến giành quyền nhai lá coca


5/2/2010
Hai quốc gia Nam Mỹ Peru và Bolivia đang rục rịch chuẩn bị cho một cuộc chiến, với đối thủ là... Liên Hợp Quốc.
Lá coca
Lá coca được coi là vật linh thiêng đối với văn hóa của Peru và Bolivia. Ảnh: daylife.com.
Time cho biết, quyền nhai coca - nguyên liệu thô để sản xuất ra cocain – là tâm điểm của cuộc đối đầu này.
Đối với hàng triệu người dân Bolivia và Peru, lá coca được coi là linh thiêng đối với văn hóa bản địa và là một vị thuốc trong xã hội hiện đại. Nó cũng hệ trọng đối với các quan chức chống ma túy ở Mỹ và các nước khác, bởi họ đang bất lực trong việc ngăn chặn dòng chảy không ngừng của cocain. Silvia Rivera, giáo sư xã hội học tại trường Đại học San Andres của Bolivia, nhận định: “Giờ là lúc đang có cuộc tấn công dữ dội nhất mà người dân Bolivia phải đối mặt” kể từ khi Liên Hợp quốc liệt coca vào một dạng ma túy vào năm 1961.
Bolivia và Peru cho rằng tuyên bố mới nhất từ Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) thuộc Liên Hợp Quốc chính là sự sỉ nhục đối với họ. INCB cho rằng người Bolivia và Peru đã phạm pháp khi nhai coca và uống trà làm từ lá cây của nó. Tuyên bố đã làm dấy lên sự giận dữ và gây ra hoàng loạt cuộc biểu tình đường phố trên cả hai quốc gia, đặc biệt là trong cộng đồng người dân bản địa. Đối với họ, cây coca chính là nền tảng cho nền văn hóa kéo dài 3.000 năm của dân tộc, là một phần của cuộc sống giống như cà phê đối với dân Mỹ. La Paz - thủ đô của Bolivia - có lẽ là nơi duy nhất trên thế giới có bảo tàng dành riêng cho cây coca. Từ nông thôn cho đến những khách sạn sang trọng ở thành phố, người ta nhai coca hoặc pha thành trà để xoa dịu cái đói hay sự kiệt sức, hoặc để chống lại cảm giác mệt mỏi mà cuộc sống trên cao ở dãy Andes gây nên.
Ana Maria Chavez – một người chuyên buôn bán coca ở La Paz nói: “Coca cũng được sử dụng bởi các thầy thuốc và trong các nghi lễ tế thần Nó được coi như lá thánh”. Giáo hoàng John Paul II thậm chí đã uống loại trà làm từ lá cây coca trong chuyến viếng thăm Bolivia vào năm 1988. Chavez mô tả nó là “một phần trong con người chúng tôi”.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ coca đã hủy hoại cuộc sống của hàng chục triệu người trên khắp hành tinh. Hoạt động tiêu thụ cocain và nghiện ma túy đang lan tràn khắp các khu vực phát triển như Bắc Mỹ và châu Âu. Trong thập kỷ vừa qua, nước Mỹ đã dành 5 tỷ USD để giúp Colombia xóa sổ hoàn toàn cây coca. Trong khi đó, Washington và Liên Hợp Quốc thì lại muốn Bolivia và Peru phải cắt giảm số vụ mùa coca xuống mức tối thiểu chỉ đủ để phục vụ nhu cầu truyền thống mà thôi. Peru và Bolivia là hai nước sản xuất Coca lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới. Vị trí đầu tiên thuộc về Colombia với khoảng hơn 75.000 hecta canh tác, chiếm gần một nửa nguồn cung trên toàn thế giới.
Công ước Liên Hợp Quốc năm 1961 kêu gọi các nước cắt giảm sản lượng coca cho đến cuối những năm 80. Sau đó, một hiệp ước mới ra đời vào năm 1988 lại công nhận những đặc trưng văn hóa của coca và cho phép sử dụng chúng một cách hạn chế tại địa phương. Thế nhưng các lực lượng phòng chống ma túy lại phải thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn nỗ lực trồng coca để làm ma túy, phá hủy các phòng nghiên cứu chế biến cocain và ngăn chặn nhưng kẻ buôn thuốc phiện.
Bản báo cáo tháng 2 của INCB kết luận đây không phải việc dễ dàng. Nguyên nhân chủ yếu là mặc dù cuộc chiến chống ma túy ở Mỹ Latinh đã kéo dài hàng chục năm và tiêu tốn hàng tỷ USD, hoạt động sản xuất cocain vẫn được duy trì một cách đều đặn ở mức tối đa. Theo báo cáo của INCB thì việc tiêu thụ những chiếc lá sống hay chưa được chế biến chính là hành động tiếp tay cho “sự lệ thuộc vào ma túy”.
Những người chỉ trích bản báo cáo đó cho rằng kết luận trên là một suy luận ngớ ngẩn, bởi chẳng có một bằng chứng được công bố nào chứng minh được rằng lá coca có độc tố hay gây nghiện. Người đầu tiên phản đối là Avo Morales - tổng thống thuộc cánh tả ở Bolivia. Morales đứng đầu một trong số những hiệp hội trồng coca lớn nhất cả nước. Ông được bầu là nguyên thủ quốc gia của Bolivia vào năm 2005 một phần vì lên tiếng bảo vệ loại lá này. Trong cuộc họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối năm ngoái, ông đã đứng giữa phòng họp, tay giơ cao một chiếc lá coca và nói : “Chiếc lá này đại diện cho hy vọng của cả dân tộc tôi”.
Bolivia cung cấp khoảng 17% lượng coca trên toàn thế giới và ông Morales từng hứng chịu không ít những lời cáo buộc của cộng đồng quốc tế vì duy trì việc trồng coca. Mỹ cho rằng việc so sánh coca, cocain như táo, cam của ông là không trung thực; còn giới phân tích lại cho rằng bất chấp những nỗ lực của chính phủ, phần lớn lượng coca trồng ở Bolivia đều rơi vào tay các tổ chức tội phạm buôn lậu ma túy.
Morales đã giúp các chuyên gia kêu gọi một cuộc “tái định giá lá cây coca”. Các nhà xã hội học cho biết: “Rất nhiều người đã khám phá ra tác dụng cả về dinh dưỡng và y học của chúng”.
Người dân Bolivia nhai lá coca
Người dân Bolivia tham gia "Ngày nhai lá coca". Ảnh: Martin Alipaz.
Nhiều nghiên cứu khoa học - bao gồm cả một công trình đã được công bố của Đại học Harvard, Mỹ - chỉ ra rằng coca sống chứa rất nhiều protein, canxi, sắt và cả vitamine. Vì vậy, tổng thống Moles đã khuyến khích các ngành công nghiệp địa phương chế biến coca thành mọi thứ - từ bột mì cho đến kem đánh răng, dầu gội và cả thuốc chữa bệnh. (Năm ngoái ông đã gửi một chiếc bánh coca làm quà chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của tổng thống Fidel Castro).
Thậm chí ngay cả khi INCB đang chuẩn bị công bố báo cáo, chính phủ Bolivia vẫn bày tỏ mong muốn được nâng mức giới hạn trồng coca từ 12.000 héc ta lên 20.000 héc ta. Nội các của tổng thống Mỹ George W. Bush từng cảnh cáo rằng động thái này của Bolivia vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận quốc tế và không thống nhất với các cam kết của Bolivia, làm lãng phí hàng chục triệu USD hỗ trợ của Mỹ.
Dường như không hề nao núng, Bolivia nói họ sẽ đầu tư 300.000 USD để phát triển các thị trường coca hợp pháp mới. Và chẳng ai ngạc nhiên khi phái đoàn Bolivia chính là những người đầu tiên kêu gọi sự “phản đối mạnh mẽ” đối với những khuyến cáo của INCB trong cuộc họp thường niên ở Vienna, Áo vào tuần này. Họ cũng đưa ra lời đề nghị gỡ bỏ coca ra khỏi danh sách các chất ma túy của Liên Hợp Quốc. Đây là việc khó có khả năng xảy ra.
Vấn đề đặt ra là liệu Liên Hợp Quốc có chấp nhận lời đề nghị của INCB - liệt tất cả các hoạt động sử dụng và thương mại hóa coca không có chất gây nghiện của Bolivia và Peru là phạm pháp – hay không. Hay nói cách khác, điều này rất có thể sẽ khiến cho Liên Hợp Quốc kêu gọi cấm vận coca.
Rất nhiều người Bolivia nói rằng họ không quan tâm. “Ông tôi, bà tôi đều bán coca và tôi cũng làm công việc này 48 năm rồi”, Josefina Rojas- một người bán coca ở La Paz cho biết “Dù có chuyện gì xảy ra thì chúng tôi cũng sẽ không để họ mang coca đi đâu hết”.
Hà Thu


No comments:

Post a Comment