Saturday, August 6, 2011

22/07 Phim lịch sử- cổ trang Việt Nam: Làm “to chuyện” lúc này là vội vã!

 (22/07/2011)

Cảnh phim" Thái sư Trần Thủ Độ" dựng tại trường quay Cổ Loa
VH- Gần đây, nghe nói có một công ty truyền thông muốn nhân dịp Festival Huế (2012) mà tổ chức một Liên hoan phim lịch sử - cổ trang đầu tiên cho Việt Nam. Ý tưởng này thật đáng khích lệ, và gây nhiều cảm hứng cho giới làm nghề. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng: Dòng phim lịch sử - cổ trang thời điểm này mà làm to chuyện là vội vã.
Từ quan sát thận trọng của mình, người viết bài này cho rằng dường như câu chuyện Liên hoan phim lịch sử - cổ trang ở Việt Nam thực sự là một điều cần thiết khi chúng ta đang muốn khích lệ các nhà sản xuất và giới làm nghề đổ sức lực, trí tuệ và tiền của vào dòng phim này. Nhưng mỗi tham vọng đều cần được tính đến những yếu tố đảm bảo sự thành công của nó.
Nhìn lại, chợt lo lắng: không biết có ai làm một cuộc thống kê rằng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam từng có bao nhiêu phim lịch sử - cổ trang? Câu hỏi thứ hai cũng làm chúng ta băn khoăn: Các nước có dòng phim lịch sử - cổ trang lẫy lừng như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… đã từng tổ chức một liên hoan phim tương tự bao giờ không? Nếu có, kinh nghiệm của họ ra sao? Họ đã chọn thời điểm nào để tiến hành một liên hoan mà đến nay mới chỉ gợi nên một giấc mơ cho khán giả phim Việt? Với hiện trạng phim lịch sử - cổ trang Việt Nam mà chúng ta đã và đang thấy, dường như việc trình diễn một bộ sưu tập phim trong một sự kiện mang tính tranh tài có thể mang đến một hiệu ứng ngược: Khán giả có thể sẽ kinh ngạc về một sưu tập nghèo nàn của những tác phẩm non kém trên nhiều phương diện. Không phủ nhận rằng trong số lượng phim lịch sử - cổ trang ít ỏi chúng ta đang có, đã có những tác phẩm để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả, như phim truyện nhựa “Đêm hội Long Trì”, hay phim truyền hình “Ngọn nến Hoàng cung”. Nhưng còn quá ít, quá ít… để làm một cuộc tôn vinh, hay để đem ra so tài!
Nhưng không lẽ không làm gì, mà cứ đứng đó chờ cho dòng phim này tự phát triển theo cách manh mún và tự phát, và vô cùng chậm chạp như hiện nay? Rõ ràng đó là một thái độ tiêu cực cần loại bỏ. Nhưng chúng tôi cho rằng, để thúc đẩy dòng phim tốn kém cả nhân lực lẫn tài lực này phát triển trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo khó, và trong hiện thực là thế cạnh tranh của phim lịch sử - cổ trang Việt Nam với làn sóng phim nước ngoài vô cùng mất cân bằng, chúng ta cần có từng bước đi thật bài bản, chắc chắn… căn cứ trên những nghiên cứu giàu hàm lượng khoa học. Cũng cần giải thích thêm, rằng khái niệm “nghiên cứu” ở đây nên được giải phóng ra ngoài không gian các hội thảo quen thuộc.
Theo đó, có rất nhiều hình thức tổ chức nên được tính đến. Ví dụ như một cuộc thi thiết kế phục trang thuần Việt, mang đậm tinh thần Việt; hoặc các cuộc thi thiết kế bối cảnh tương tự, nhưng khuôn khổ được giới hạn trong từng triều đại cụ thể trong dòng chảy lịch sử của người Việt; hoặc nữa, một đợt công chiếu toàn bộ các phim điện ảnh lịch sử - cổ trang của Việt Nam từng được sản xuất từ trước đến nay, song hành với các hội thảo trong phòng họp, chủ động gây hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng xã hội và cả cộng đồng mạng; và tương tự, trên màn ảnh nhỏ có thể nhân Festival Huế mà cho phát sóng trên toàn quốc các phim truyền hình lịch sử - cổ trang để khán giả bình chọn theo tiêu chí do nhà Đài xác lập…
Và nhiều nữa những hình thức tổ chức có thể gây hiệu ứng tích cực nhiều chiều đối với cả người sản xuất, giới làm nghề, và khán giả… mà trí tuệ hẹp hòi của người viết bài này không thể nghĩ ra hết. Tất cả đều nhằm tạo nên một môi trường có sức kích thích mạnh mẽ cho sự phát triển của dòng phim này.
Và khi đó, chắc chắn phim lịch sử - cổ trang Việt Nam sẽ tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, khiến các tác phẩm được nâng lên khỏi cái ngưỡng của sự thể nghiệm (hay có đạo diễn còn gọi là cuộc chơi tốn kém), đủ để có thể đem ra xem xét dưới góc độ chuẩn mực, đủ để có thể đem tranh tài với nhau, và hy vọng có thể xuất khẩu các trầm tích văn hóa vốn rất giàu có của người Việt ra ngoài biên giới bằng phương tiện nghe nhìn như chúng ta hằng mong ước.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã

No comments:

Post a Comment