Thursday, May 5, 2011

28/04 Bậc thầy thư pháp Vương Hy Chi và bài "Lan Đình tập tự"


28-04-2011
PHẠM THỊ HẢO

Đọc Truyện Kiều đến đoạn nàng Kiều bị Hoạn Thư hành hạ trước mặt Thúc Sinh để “xả ghen”, chắc ai cũng cảm thấy xót xa. Song đến chỗ cùng Thúc Sinh xem Kiều chép kinh, Hoạn Thư phải thán phục thốt lên thành lời:“Khen rằng bút pháp đã tinh/ So vào với Thiếp Lan Đình nào thua” thì chắc mọi người cũng có phần hả dạ.

Chỗ này Hoạn Thư đánh giá cao tài năng của đối thủ, không chỉ khen ở mức độ viết chữ đẹp mà khen sự tu dưỡng văn hóa không phải tầm thường, khen ở chỗ bút pháp tinh diệu có thể so với nghệ thuật thư pháp nổi tiếng của Vương Hy Chi - một bậc “Thánh thư” đời Tấn.

Trong các bản Kiều đều có chú thích điểm này, song chỉ nói rất sơ lược. Chúng tôi xin nêu lại những nét chính và bổ sung thêm đôi chút: Thiếp Lan Đìnhlà trang thiếp viết bài tản văn Lan Đình tập tự của Vương Hy Chi. Vương Hy Chi tự Dật Thiếu, hiệu Đạm Trai, sinh năm 321, mất năm 379 (?) đời Đông Tấn Trung Quốc. Ông là người ở Lang Nha, Lâm Triết (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), xuất thân trong một gia đình quý tộc, cha và chú đều làm quan cao và giỏi thư pháp.

Vương Hy Chi từ nhỏ hiếu học, yêu văn chương, tính tình cương trực. Từng làm quan đến chức nội sử Cối Kê, song vì bất hòa với Thứ sử Dương Châu nên từ quan, sống định cư ở Sơn Âm cho đến khi qua đời.

Năm 12 tuổi, Vương Hy Chi được cha và chú dạy thư pháp, sau đó từng thụ nghiệp với các danh gia thư pháp như Vệ Thước, Trương Chi, Trọng Diêu. Sau ông đi chu du nhiều nơi, thu nạp những tinh anh nghệ thuật thư pháp của những người đi trước rồi tạo thành một bút pháp riêng vừa có nét cổ nhã truyền thống vừa có nét bay bướm tinh tế mới lạ.

Vương Hy Chi có nhiều tác phẩm thư pháp nổi tiếng. Ngoài Thiếp Lan Đìnhlà tiêu biểu nhất, còn có những bản thiếp như Nhạc Nghị luận, Hoàng Đình Kinh, Đông Phương Sóc họa tán, Khoái tuyết thời tình thiếp… và một số sách lý luận về thư pháp. Thư pháp Vương Hy Chi có ảnh hưởng lớn đến con cháu. Các con trai ông: Vương Huyền Chi, Vương Ngưng Chi, Vương Huy Chi, Vương Tháo Chi, Vương Hoán Chi, Vương Hiến Chi đều là các danh gia, trong đó Vương Hiến Chi nổi bật nhất, cùng với cha là Vương Hy Chi được đời tôn xưng là “Nhị vương”. Hy Chi được tôn là “Thư thánh” còn Hiến Chi là “Tiểu thánh”, liên tục được các đời sau hâm mộ và học tập.

Vương Hy Chi không chỉ là nhà thư pháp nổi danh mà còn là một nhà văn có nhiều tác phẩm được truyền tụng. Bài Lan Đình tập tự là một thiên tản văn có giá trị cao, được Từ điển văn học Trung Quốc (NXB Thượng Hải từ thư, 2000) đánh giá là “tuyệt bút”.


Một phần bản thư pháp Lan Đình tập tự của Vương Hy Chi
do Phùng Thừa Tố mô phỏng chép lại từ nguyên tích.

Bài văn được viết vào năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời Tấn Mục Đế (tức năm 353 Tây lịch). Bấy giờ ở Lan Đình thuộc vùng Sơn Âm huyện Cối Kê có lễ hội Tu Hễ theo phong tục địa phương (lễ hội du chơi để xua tà cầu may), Vương Hy Chi cùng một số bạn bè tụ hội ở đây, cùng chơi trò thả rượu đọc thơ. Các bài thơ hoặc vịnh cảnh hoặc trữ tình của mọi người được chép lại thành tập gọi là Lan Đình thi tập và Vương Hy Chi được đề nghị viết bài Tự (tức bài Tựa) cho tập thơ đó. Bài Tự được cả hội tán thưởng không chỉ vì giá trị văn chương mà còn vì được chính tay tác giả chép ra với một bút pháp được xem là “tuyệt diệu vô song”. Nội dung bài được dịch nghĩa như sau:

“Năm Vĩnh Hòa thứ 9, tuế niên Quý Sửu, vừa vào lúc cuối xuân, bạn bè tụ hội cùng nhau nơi Lan Đình, vùng Sơn Âm huyện Cối Kê để dự lễ hội Tu Hễ. Các hiền hữu trẻ già đều đến. Nơi đây có non cao núi đẹp, cây rừng xanh tốt, trúc biếc vươn cao, lại thêm suối trong chảy xiết, lấp loáng in bóng đôi bờ. Theo dòng nước uốn lượn, có thể chơi trò thả rượu làm thơ, mọi người đều chia thứ bậc cùng ngồi.

Tuy không có tiếng đàn tiếng sáo, song một chén rượu, một lời ngâm, lòng cũng đủ vui mà giãi bày những tình cảm sâu xa chân thật. Ngày hôm đó, khí nhẹ trời trong, gió êm mát mẻ, ngẩng lên nhìn vũ trụ bao la, cúi xuống ngắm muôn loài tươi tốt, buông lòng cảm thụ, phóng thả tầm nhìn, cũng đủ tận hưởng sướng mắt sướng tai. Thật quả là vui.

Phàm người ta khi gặp gỡ nhau, thời gian thường là ngắn ngủi. Có người thu lượm điều chí thú, cất giữ trong lòng, rồi cùng bạn bè trong phòng đàm đạo. Có người lại ký thác ra ngoài rồi buông thả theo tháng ngày phóng lãng. Tuy nắm giữ hay xả bỏ mỗi người một khác, thư tĩnh hay nóng vội cũng chẳng giống nhau, song đều lấy làm vui. Nhận vào cho mình rồi tự mình thỏa nguyện, chẳng biết rằng tuổi già kia đang sắp tiến tới nơi.

Rồi đến lúc chán chường mệt mỏi, tâm tình theo sự vật đổi thay, dẫn đến chỗ lòng đầy cảm khái, những gì trước đây yêu thích, phút chốc bỗng thành thứ cũ xưa, rồi không thể không xúc động tâm tình. Huống chi tuổi thọ con người ngắn dài cũng đổi thay cùng với tự nhiên, rút cuộc rồi cũng đến hồi kết thúc. Người xưa từng nói: “Sống chết là chuyện lớn”, lẽ nào điều đó chẳng khiến đau lòng hay sao!

Mỗi khi xét đến nguyên do cảm hứng của người xưa, thấy dường như cùng mình tương hợp, thì thường hay vì văn chương mà bi thương cảm thán, trong lòng chẳng rõ vì sao. Vốn biết rằng xem chuyện tử sinh không khác gì nhau là điều hư ảo, đánh đồng Bành Tổ trường thọ với Thương sinh yểu mệnh là cách nghĩ xằng. Nhưng người đời sau nhìn về người đời nay cũng giống như người đời nay nhìn về người đời xưa, thật đáng buồn lắm thay!

Vậy nên, xin ghi rõ lại từng vị (cùng dự hội) và sao chép những lời thơ của họ, tuy khác thời, khác việc, song duyên cớ giãi lòng, thảy đều cùng giống như nhau. Người đời sau xem tới chắc cũng sẽ xúc cảm với những văn chương này chăng!"

Bài văn chữ Hán chỉ có 324 chữ, âm thanh hài hòa lưu loát du dương, người xưa nói rằng đọc lên thật “khoái trá nhân khẩu”. Nội dung miêu tả vẻ đẹp của sông núi xung quanh Lan Đình và tình cảm vui vẻ tụ hội, bộc lộ những xúc động trước thiên nhiên và những cảm khái về lẽ sinh tử vô thường của tác giả.

Bài văn vừa có vui vừa có buồn. Vui vì cảnh sắc đẹp tươi, vì bạn bè hội họp, song không phải vui về vật chất (không đàn sáo, không tiệc rượu… ) mà là vui tinh thần, vui triết lý. Còn buồn là tâm thái tự nhiên của con người trước sự biến đổi của tự nhiên, của muôn vật, của mệnh số con người. Buồn song vẫn là tích cực hướng thượng. Vẫn là thái độ điềm đạm, phong thái thung dung trước cuộc sống. Giọng văn ưu nhã, lời lẽ mượt mà thể hiện rõ thêm những điểm đó. Bài Lan Đình tập tự được lưu truyền lâu dài khi trở thành Thiếp Lan Đình.


Nguyên một phần tích bản Tang loạn thiếp của Vương Hy Chi.

Thiếp Lan Đình đặc biệt nổi danh về phương diện nghệ thuật thư pháp. Các nhà thư pháp có yêu cầu khi thưởng thức tác phẩm phải thư thái, phải tĩnh tâm và chú ý cảm thụ nét bút, thế bút, kết cấu toàn bài hình dạng từng chữ, thể thức biến hóa và tổng quan toàn bức.

Theo như thế thì Thiếp Lan Đình được viết thành 28 hàng chữ. Ngắm nhìn sẽ thấy nét bút mềm và mượt chỗ lớn, chỗ nhỏ cân đối. Thế bút chỗ cương chỗ nhu, hài hòa vui mắt, nhìn thẳng nhìn nghiêng đều đẹp. Kết cấu chỗ thưa chỗ mau, trông tề chỉnh mà lại bay bướm. Đặc biệt là sự biến hóa tự hình, toàn bài có 20 chữ 之 (chi) mỗi chữ viết một kiểu, 5 chữ 懷 (hoài), 7 chữ 不 (bất) đều không hề lặp lại dạng chữ. Các chữ 以 (dĩ) chữ 為 (vi) cũng vậy. Nhìn tổng quan, đây là một bức tranh có hồn, chữ viết như rồng bay phượng múa, toát ra một khí phách hào hùng, lại mềm mại uyển chuyển thể hiện một phong độ cao nhã phóng khoáng.

Những đánh giá trên đây là cảm nhận từ sự thưởng thức bản Thiếp Lan Đình hiện được lưu truyền. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây không phải là chân tích. Vì bản của Vương Hy Chi viết đã bị Đường Thái Tông do quá yêu thích, bắt cất giấu trong lăng mộ của mình. Bản hiện tồn là của Phùng Thừa Tố đời Đường mô phỏng chép lại được đương thời xem là giống nhất.

Đối với nguyên tích của Vương Hy Chi thì sự đánh giá của người xưa không thật cụ thể song còn cao hơn: Các thư gia nổi tiếng thời Nam Triều là Ngu Hòa, Đào Hoàng Cảnh cho rằng, thư pháp của Vương Hy Chi vượt hẳn các danh gia đời Hán Ngụy. Lương Vũ Đế thì khen: “Thế chữ hùng dật, như long khiêu thiên môn, hổ ngọa phượng khuyết…”. Đường Thái Tông thì bình: “Chữ chữ hàng hàng, bảng lảng như mây bay, kiêu dũng như rồng lượn (phiêu như vân phi, kiêu như long cổn)”, thật là một bức tranh “tận thiện, tận mỹ”, và khuyên các sĩ tử nên học tập.

Các thời đại sau cũng có nhiều ý kiến tán tụng Thiếp Lan Đình của Vương Hy Chi, xem đây là bức tranh thư pháp có giá trị nhất thời xưa.

Ở Trung Quốc hiện nay rất thích thú nghệ thuật thư pháp. Có nhiều nghiên cứu về Vương Hy Chi, về thân thế, chí hướng, tài năng, quá trình rèn luyện thư pháp của ông, ảnh hưởng của ông đối với các thời đại sau. Rồi vấn đề chân ngụy của bản Lan Đình tập tự, vấn đề thưởng thức đánh giá thư pháp. Có nhiều giai thoại lý thú về “Thư thánh” Vương Hy Chi và con trai ông - Vương Hiếu Chi, cũng là một nhà thư pháp nổi tiếng.

Ở ta, phong trào phát triển nghệ thuật thư pháp cũng đang rầm rộ. Thú chơi tao nhã này đang hấp dẫn giới trẻ. Thư pháp chữ Việt cũng đang phát triển phong phú, đa dạng. Đó là điều thật đáng vui.

[Quay lại]
Gửi tin này qua e-mailIn trangPhản hồiĐầu trang

No comments:

Post a Comment