Friday, May 6, 2011

27/04 “Xuất khẩu” thông tin phục vụ kiều bào

27/04/2011 08:00:06 AM

1a.jpg
Để triển khai gói kênh truyền hình phục vụ cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất cần sự tham gia hợp tác của các đài truyền hình trong nước. Ảnh: THANH HẢI

ICTnews - Bộ TT&TT đang lập đề án xây dựng gói kênh truyền hình hoàn toàn không sử dụng vốn nhà nước sẽ được đưa ra nước ngoài để phục vụ cộng đồng người Việt và những người quan tâm đến Việt Nam.

Cách làm sáng tạo

Thay vì các kênh truyền hình tổng hợp riêng lẻ đang được một số đài truyền hình thực hiện và truyền dẫn ra nước ngoài như VTV4 của Đài THVN, VTC10 của Đài KTS VTC, kênh Thuần Việt của Đài TH TP.HCM (HTV), đây sẽ là một gói dự kiến khoảng 10 kênh truyền hình chuyên biệt như địa chí, văn hóa, kinh tế đầu tư, thư giãn, phong cách sống, phim truyện, trẻ em…

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm Hợp tác báo chí và truyền thông quốc tế (Bộ TT&TT), đơn vị khởi thảo ý tưởng đầy táo bạo này cho biết, dự án được xây dựng trên cơ sở thực hiện đúng theo tinh thần của Chỉ thị 26 CT/TƯ ngày 10/9/2008 của Ban Bí thư khóa 10 về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại (TTĐN). Theo ông Sơn, trong khi nguồn lực đầu tư bằng NSNN rất eo hẹp mà nhu cầu được thưởng thức các chương trình truyền hình Việt của bà con Việt kiều, đặc biệt ở Mỹ, Canada và châu Âu còn rất lớn do hiện nay của các đài truyền hình chủ yếu phát sóng quảng bá các kênh thông tin tổng hợp, khó tiếp cận được với bà con vì cả yếu tố kỹ thuật và chính trị.

“Các kênh chuyên biệt hiện nay là xu hướng chung của thế giới. Vì vậy, giải pháp của Đề án là sẽ “đóng gói” các kênh chuyên biệt thành 2 gói cơ bản và lựa chọn, với số lượng và nội dung thay đổi tùy thuộc vào sự thay đổi trong kết quả điều tra nhu cầu xã hội hàng năm của chúng tôi. Sẽ không còn là các kênh phát quảng bá mà gói kênh này sẽ được Công ty nghe nhìn AVG mang đi chào hàng với hệ thống truyền hình trả tiền ở nước ngoài. Như vậy, đây sẽ là một phương thức hoàn toàn mang tính thương mại, mang tính rủi ro của kinh doanh, lời ăn lỗ chịu và sẽ không sử dụng NSNN”, ông Sơn khẳng định và cho rằng đề án sẽ có tính khả thi và thành công hơn nếu có sự tham gia hợp tác của đài truyền hình trong cả nước trong việc chia sẻ, cung cấp chương trình.

Như vậy có thể thấy sau khi Quy chế quản lý THTT ra đời đã tạo một cơ chế thuận lợi cho sự liên kết giữa các đơn vị sản xuất nội dung với các nhà kinh doanh dịch vụ THTT để đây thực sự trở thành một ngành kinh doanh có hiệu quả cao không chỉ về kinh tế mà cả ý nghĩa chính trị, xã hội.

Không lo làm quá nhiều

Theo tổng hợp ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan như Ban Tuyên giáo TƯ, Ban chỉ đạo TTĐN, Ban đối ngoại TƯ, các Bộ Ngoại giao, VHTTDL, Công an, VTV… đều khẳng định sự đồng tình với sự cần thiết của Đề án. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là việc đưa thông tin về tình hình trong nước ra nước ngoài, nhất là với bà con kiều bào và những người quan tâm đến Việt Nam luôn được ủng hộ, càng nhiều càng tốt và không bao giờ là quá nhiều. Đây cũng đang là nỗ lực của Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị chức năng và báo chí thực hiện bằng nhiều phương thức… “Đề án này rất đáng hoan nghênh. Hơn nữa việc Đề án này được phê duyệt cũng không hề ảnh hưởng tới các đơn vị khác đang và sẽ được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện truyền hình đối ngoại bởi nó được xã hội hóa hoàn toàn, không sử dụng NSNN. Về nội dung của các chương trình trong gói kênh này, Bộ TT&TT hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý cũng như năng lực để đảm bảo không vi phạm các quy định về bản quyền và tính nguyên vẹn của các chương trình do các đài PTTH trong nước sản xuất”, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định.

Trên phương diện kinh doanh, đại diện Bộ Công an cho rằng, Đề án này hoàn toàn có tính khả thi, nhất là khi đơn vị xây dựng Đề án lựa chọn thị trường Bắc Mỹ và châu Âu, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống rất đông. Gói kênh sẽ có nhiều khả năng đạt được thỏa thuận với các mạng truyền dẫn truyền hình ở khu vực này bởi họ nhìn thấy rõ tiềm năng số lượng thuê bao là người Việt sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sẽ có một nhóm đối tượng khác cũng rất đáng lưu ý đó là những người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam vì nhiều lý do như sở thích cá nhân, do mục đích nghiên cứu của các nhà báo, học giả, thậm chí là cả các nghị sĩ và các chính trị gia của các nước. Vì vậy, nội dung chương trình trong gói kênh này cũng cần chú ý đến thông tin về chính sách, pháp luật, thực trạng và tiềm năng kinh tế trong nước nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút đầu tư.

Hồng Minh

Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 50 ra ngày 27/4/2011.


No comments:

Post a Comment