Friday, February 25, 2011

10/12/2010 'Chết chìm' trong vòng tay âu yếm của bố mẹ

Thứ sáu, 10/12/2010, 10:06 GMT+7

Ảnh chỉ có tính minh họa: okanagan.bc.ca.

“Từ bé đến giờ sợ nhất là mỗi lần xin phép đi chơi với bạn. Hầu như em phải chuẩn bị đến một tuần để nghĩ xem nói thế nào, đi chơi với ai, đi đâu, làm gì, để mẹ thấy an toàn nhất”, Vi, 18 tuổi, sinh viên Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Hà Nội, tâm sự.
> Trẻ nhát do người thân bao bọc quá kỹ

Đã là sinh viên rồi nhưng Vi vẫn được mẹ chăm sóc "đến tận răng", đến mức đôi khi em cảm thấy mệt mỏi và ngạt thở. Xin được đi chơi đã khó, nhưng nếu nhận được sự đồng ý thì còn bị tra tấn hơn, bởi liên tục bị mẹ hỏi thăm, điều tra suốt chuyến đi đó.

“Mẹ luôn gọi điện thăm hỏi xem đã đến nơi chơi, đang làm gì thế, hay nhắc nhở đến giờ về rồi, về nhanh đi..., khiến nhiều khi xin phép được rồi em lại thấy ngán ngẩm không muốn đi nữa”, cô gái trẻ tâm sự.

Chính vì thế, hầu hết những buổi liên hoan với lớp, hay tụ tập bạn bè đều vắng mặt Vi, và hậu quả là dần dần cô cảm thấy bản thân như bị tách khỏi bạn bè. “Nhiều khi ngồi nghe các bạn nói chuyện mà không biết thông tin gì để tham gia, thấy mình như người lạc loài”, Vi bảo.

Nếu Vi bị mẹ coi là em bé mẫu giáo thì Phương (20 tuổi, sinh viên Đại học Mở Hà Nội) lại là “búp bê’ của gia đình. Từ nhỏ đến lớn cô không phải đụng tay vào bất cứ việc gì, dù muốn hay không. Những kỹ năng cơ bản như giặt giũ, lau nhà, nấu cơm… hầu như rất xa lạ với Phương. Nhiều lần cô cương quyết xách xô nước lên lau dọn tầng hai thì chưa được 10 phút mẹ đã chạy lên giằng lấy làm. Và tất nhiên Phương cũng không có cơ hội va chạm trong cuộc sống.

Phương kể: “Em cũng rất muốn tham gia sinh hoạt trong những câu lạc bộ, nhưng nhiều lần xin phép bố mẹ đều nhận được những cái lắc đầu với lý do như: Có thời gian rảnh thì nằm ở nhà nghỉ ngơi cho thư thả đầu óc, chạy ra đường tối ngày làm gì, bị ốm thì khổ ra…. Thế rồi em không muốn xin đi đâu nữa, đành ngồi ở nhà cho yên ổn".

Không chỉ con gái được cưng chiều thái quá mà nhiều cậu trai cũng đồng cảnh ngộ. Trường hợp của Dũng (sinh viên năm 2 Đại học Bách Khoa) là một ví dụ. Tuy là con trai nhưng cậu chưa bao giờ được làm theo ý mình. Đi đá banh thì mẹ bảo “dơ bẩn, dễ ngã”, đi bơi thì ba cản "nước hồ hàng bao nhiêu con người tắm chung, dễ lây bệnh, có những tên biến thái…”.

Tệ nhất là một lần cậu làm quen với cô gái mình thích, nhưng chỉ hai tuần sau bị mẹ lôi ra giáo huấn cho một trận: "Đang đi học, không lo học đi, cấm không được yêu đương gì hết, tốn tiền, tốn thời gian!”. Sau chuyện đó Dũng đâm ra chán nản, và cuộc sống chỉ bó gọn trong căn phòng với máy tính, chơi game, xem phim chưởng, đọc truyện tranh.

Một trường hợp khác, lấy lý do giữ tiền là tốt cho con, bà Hân (49 tuổi, Phan Huy Ích, Hà Nội) đã đưa ra tiêu chí kiểm soát tiền bạc của con cái chặt chẽ: khi con gái đi đâu xin tiền đều phải thống kê mua thứ gì, mua ở đâu, đi mua cùng với ai…? Còn với cậu con trai năm nay học năm thứ 2 Đại học Giao Thông Vận Tải thì bà áp dụng chiến lược chặt chẽ hơn vì sợ con trai xin tiền đi... "bao gái".

“Bây giờ có nhiều tiền ra ngoài không tốt, con gái nhìn vào chúng nó lại chỉ yêu vì tiền chứ thật lòng gì!”, bà Hân tâm sự, giọng bất an.

Chuyên gia Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội nhận định: “Tình trạng bao bọc con kiểu này không hiếm, xuất phát từ tâm lý của những bậc cha mẹ đều là yêu thương con cái. Nhưng một số người lại không nhận ra rằng con mình cần phải lớn, vì vậy họ giữ con quá chặt, đến mức trẻ muốn chạy ra cũng không được, mệt mỏi quá và chúng không còn muốn chạy nữa. Trẻ cần có tiếng nói, cần học cách làm việc và tự biết chăm sóc bản thân, cần giao tiếp và va chạm. Nếu chúng không có kinh nghiệm thực tế thì chính sự yêu thương của cha mẹ là một sợi xích".

Trung tâm của bà Hằng từng nhận nhiều cuộc điện thoại "tố khổ" của các bạn trẻ trong vòng vây giam hãm của gia đình, không ít cuộc trong đó từ những bạn trẻ sống trong nhung lụa. Nhiều em cho biết cảm thấy chán đời, thấy ức chế hoặc thấy mình thừa thãi.

"Chính việc cha mẹ tước đi quyền tự do, tự quyết của trẻ một cách tuyệt đối đã tạo ra những những đứa trẻ lầm lì, thậm chí tự kỷ, khi các em ngồi giữa mọi người mà không hiểu mọi người nói gì. Ngược lại có trường hợp khi các em muốn quyết định mà không được tự quyết … khiến các em ấm ức và muốn phá phách", chuyên gia phân tích.

Song, nói đến bậc cha mẹ cũng cần nói đến sự tự vận động của trẻ. "Nếu chẳng may rơi vào tình trạng ấy, các bạn trẻ hãy bằng những hành động cụ thể để xây dựng lòng tin với bố mẹ, để chứng minh rằng mình có thể có những quyết định đúng đắn, có thể tự làm nhiều việc", chuyên gia đưa ra ý kiến.

Đồng Phương Thảo


Giống như tôi ^^!
Bạn Vi là con gái, mới 18 tuổi, tôi thì 30 rồi, công chức nhà nước, thành công trong sự nghiệp thì chưa dám nói nhưng cũng coi là có chút danh vọng, lại là con trai nữa nhưng cũng không khác với hoàn cảnh này lắm, đi chơi thì cũng 9h thôi nhé, đi đâu đột xuất thì phải có ý kiến của phụ huynh!!! Thế mới thấy được thương cũng không sướng lắm nhỉ ^^ Kiểu này ế vợ là chắc rồi quá

( PN )


--------------------------------------------------------------------------------

haizzz

Cũng cùng cảnh ngộ. Đôi khi phụ huynh vì quá lo cho con cái mà gây ra tâm trạng ức chế rồi dần dần tạo ra những tính cách tiêu cực mà họ không hề hay biết.

( ToRi )


--------------------------------------------------------------------------------

Cha mẹ phải quản lý con cái.

Bố mẹ quản lý, giáo dục con cái và có tránh nhiệm quản lý, giáo dục con cái, kể cả khi chúng đã lấy vợ, lấy chồng là chuyện bình thường. Trong xã hội đầy dãy những khiếm khuyết như hiện nay, nếu không muốn mất con thì không được buông rời quản lý. Phạm vi quản lý phải toàn diện từ học tập, vui chơi, bè bạn, yêu đương v.v.. Một điều cần trao đổi ở đây là phương thức, cách thức quản lý như thế nào cho phù hợp với tình hình, mức độ và tính cách của từng cháu. Đấy là nghệ thuật của từng ông bố, bà mẹ trong gia đình.

( Thaoviet )

No comments:

Post a Comment