Sunday, May 9, 2010

09/05 Lý Nhã Kỳ và những ám ảnh


Chủ nhật, 09/05/2010 07:59 AM
Cô bảo, chẳng sợ gì cả, chỉ sợ lòng mình không trong và tâm mình không sáng.
Không thích mưa
Nhiều người thích mưa vì thấy lãng mạn, người lại ghét mưa vì buồn nhưng tôi không thích trời mưa, đặc biệt những cơn mưa đột ngột ở Sài Gòn vì sẽ có nhiều người bán rong không kịp chạy hàng, nhiều đứa trẻ lang thang không kịp tìm chỗ trú mưa. Tôi từng có những giấc mơ được vỗ về khi bé thơ, được một lần ăn cơm cùng ba mẹ và gia đình mãi mãi không thành. Vì thế, nhìn những cảnh sống lang thang của những đứa trẻ tội nghiệp tôi luôn phải quay mặt giấu những giọt nước mắt.
 
Ngày ba tôi gặp tai nạn, cả nhà theo ba lên Sài Gòn để chăm ông, tôi lúc đó mới 7 tuổi, ngày ngày một mình đi học. Tôi được bao bọc từ lúc sinh ra nên không thể quen với cảm giác thui thủi một mình sau mỗi ngày tan trường. Tôi cũng không thể quên cái ký ức đứng ở trước cửa nhà hàng xóm, xem trộm cảnh gia đình họ quây quần rồi ú té chạy. Khi đó, tôi chỉ có một ước mơ: lại được ăn cơm cùng ba mẹ và hai chị. Nhưng rồi sau trận tai nạn đột ngột của ba, ba đã vĩnh viễn bị liệt và giấc mơ được sum vầy bên mâm cơm của tôi mãi mãi không thể là hiện thực. Bởi thế, tôi nghĩ mình hiểu được những giấc mơ nho nhỏ của những đứa trẻ không gia đình, cho dù, tôi nghĩ mình may mắn hơn chúng quá nhiều.
 
Tôi về Việt Nam cách đây gần bốn năm, lần đó tôi tham gia đóng phim ở Long Hải, một thị trấn còn nghèo của tỉnh Vũng Tàu chao chát nắng. Trong thời gian rảnh giữa các cảnh quay tôi có hỏi thăm bà con vùng đó, họ cho biết tại đây có một viện dưỡng lão.
Tôi ghé thăm viện dưỡng lão vào một buổi trưa. Đến nơi, tôi ngạc nhiên tột độ khi chứng kiến những người già còm cõi nằm trong từng ô đá lạnh, không có manh chiếu nào. Giữa những ngày hè, bước vào trong căn phòng đó tôi vẫn thấy tỏa ra sự lạnh lẽo đến rợn người. Mỗi người nằm trong một cái ô như vậy, phía dưới khoét một cái lỗ để họ có thể tự đi tiểu tiện ngay tại chỗ.
Tôi quan sát, mỗi ô như thế dành cho một người đều có cái rương gỗ. Tôi mang những phần quà nhỏ của mình chia cho từng người, nhưng khi đến một ô thì thấy để trống. Hỏi những người xung quanh thì được biết, ở đây có một cụ già, nhưng không biết cụ đã đi đâu. Những người khỏe hơn đã đi tìm cụ và cuối cùng phát hiện ra… cụ nằm gọn trong chiếc rương chừng nửa mét đó. Hóa ra cụ bị ốm, rét quá nên chui vào rương nằm cho ấm. Nhìn cụ chỉ còn một bộ xương. Trước cảnh đó, tôi cứ đứng trơ ra, thấy xót xa như da thịt mình bị cắt.
Tôi ngồi lại lâu hơn bên những ô đá lạnh, ở giữa là những người già neo đơn, ai cũng xanh xao và được biết, khẩu phần mỗi bữa ăn của các cụ chỉ là cháo không đường. Cháo có đường chỉ được ăn mỗi tuần một bữa.
Qua tìm hiểu, tôi được biết để có một bữa cháo đường cho khoảng 150 cụ trong khu trại này cần chừng 2 triệu đồng. Tôi giật mình, trời ơi, số tiền đó mình có thể chỉ cần bớt một bữa ăn vui vẻ với bạn bè. Một bữa ăn nơi thành phố có thể đổi được một bữa cháo có đường cho 150 con người. Tôi đã quyết định dừng các công việc mình đang làm một thời gian để đi làm từ thiện từ khi đó.
 
Từng bị mù và liệt
Năm tôi từ Đức về Việt Nam thăm ba mẹ, đúng vào mùa dịch sởi. Vì chơi với một bé con bị sởi nên tôi bị bị lây. Về nhà thấy người bị sốt, mẹ đưa đi bác sĩ khám, các kết quả chẩn đoán cho hay tôi bị viêm họng.

Nghĩ là viêm họng nên tôi vẫn tắm, sau khi tắm xong tôi bỗng lên cơn sốt đùng đùng. Sợ quá, mẹ lại cho tôi trở lại gặp bác sĩ. Bác sĩ cho rằng tôi uống nhầm thuốc và có triệu chứng bị dị ứng. Tôi tiếp tục điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ, kết quả là 5 ngày sau mắt tôi bị sưng lên như hai trái cà chua. Tôi được đưa đi cấp cứu và gia đình phải lựa chọn một là tính mạng, hai là đôi mắt. Hai tuần sống trong bóng đêm nhưng may mắn là đôi mắt và sức khỏe cuối cùng được bình phục. Quãng thời gian đó giúp tôi cảm nhận được, ánh sáng quý giá đến chừng nào, nó cũng chính là lý do giúp tôi hiểu được sự thiệt thòi của một người khiếm thị.
 
Cách đây khoảng một năm tôi lại bị liệt do mất sức. Đó là quãng thời gian tôi thay đổi các quy chế làm việc tại công ty và do phải làm việc trong nhiều ngày liền từ sáng sớm đến khuya nên tôi bị kiệt sức hoàn toàn. Một ngày tôi bị xỉu và khi tỉnh dậy thì thấy mình bất động hoàn toàn. Điều này ngoài những người thân không ai được biết, vì khi đó tôi sợ công ty sẽ bị rối loạn. Tôi vừa chịu áp lực công việc, vừa lo giấu báo chí nên mỗi lần đi xuống khám bệnh đều phải hóa trang thành người khác. Trong gia đình ba tôi từng bị liệt nhiều năm nên khi chứng kiến tôi rơi vào thảm cảnh này ai cũng lo lắng, bác sĩ cũng không chẩn đoán ra bệnh ngay. Nhưng khi tôi chuẩn bị phải sử dụng phương pháp thị phạm bằng việc mổ động mạch chủ với nguy cơ tử vong là rất lớn cũng là lúc cơ thể tự nhiên dần hồi phục. Điều này cũng gây bất ngờ đối với các bác sĩ. Sau này qua tìm hiểu, tôi được biết, đó là tình trạng kiệt sức nên cơ thể đình công tạm thời.
Tôi nghĩ, cuộc đời mình đã trải qua nhiều lần cận kề cái chết, những cảm giác cần có để biết cuộc sống quý giá nhường nào tôi cũng từng trải qua. Đó là lý do để tôi tiếp tục theo đuổi con đường làm từ thiện bên cạnh công việc kinh doanh hay diễn xuất.
Tôi bắt đầu công việc từ thiện sau khi trở về từ trại dưỡng lão. Khi ấy tôi chỉ làm một mình với những việc mang tính cá nhân và quả thật số người tôi đã gặp và giúp được chẳng thấm tháp gì. Tuy vậy, tôi nghĩ mình cứ mang cái tâm đó đi sưởi ấm các cảnh đời và không nghĩ một ngày sẽ cùng lúc giúp được nhiều người như hôm nay, khi trở thành chủ tịch quỹ từ thiện Sheen Hok tại Việt Nam. Công việc đầu tiên tôi chọn làm khi đứng ở cương vị này là giúp phẫu thuật cho 1000 em bé khiếm thị. Khiếm khuyết nào trong cuộc đời chẳng gây đau thương, nhưng nếu đã trải qua, dù chỉ một giờ trong bóng tối hẳn tôi tin người đó sẽ hiểu được ánh sáng có giá trị thế nào.
Tôi hy vọng, đây sẽ là bước đầu tiên để tôi chạm dần đến ước mơ của mình: cho cuộc sống bớt dần đi những nỗi đau và con người sẽ gần lại trong sự sẻ chia thân ái. Điều đó giúp tôi vững vàng hơn để tiếp tục theo đuổi con đường vốn nhiều thị phi: lấy từ thiện để đạt một mục đích khác trong cuộc sống.
Theo Gia Đình

No comments:

Post a Comment